Giãn sức, gỡ khó... kích bất động sản vượt tác động kép
Ảnh hưởng của Covid-19 khiến thị trường bất động sản (BĐS) gần như đóng băng, các doanh nghiệp (DN) và người mua nhà gặp nhiều khó khăn tài chính. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, hai tháng qua, hầu như các DN BĐS vẫn chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.
Người vay mua nhà cũng chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, BĐS gặp khó khăn khi phải trực tiếp chịu tác động kép của nền kinh tế: từ những khó khăn pháp lý vẫn đang tồn tại, và đến nay là ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Trong văn bản báo cáo hàng loạt vướng mắc trên thị trường địa ốc, HoREA đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho DN được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở giai đoạn hậu giãn cách xã hội. Hiệp hội cho rằng, đề xuất này tương tự như cơ chế giãn tiến độ nộp tiền thuê đất, tiền thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN theo Nghị định 41 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề lên thị trường BĐS, khiến cho các hoạt động rơi vào trạng thái “ngủ đông” thì việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất là tín hiệu đáng mừng, tạm thời hỗ trợ doanh DN đỡ sức ép về tài chính.
Trước đề xuất này, nhiều DN cho biết, nếu được thông qua, DN sẽ dễ thở hơn rất nhiều. Bởi nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc bị sụt giảm mạnh hoặc không có doanh thu, thì DN càng thêm khó khăn.
Theo chuyên gia đến từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, đối với DN, tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Vì thế, vị chuyên gia này nhấn mạnh, việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất sẽ giúp cho doanh nghiệp có nguồn tài chính ổn định, có thể đứng dậy trong tình hình hiện nay. Từ đó, hiệu ứng này sẽ lan toả sang các lĩnh vực khác như xây dựng, vật liệu, dịch vụ… giúp cho các thành phần kinh tế khác cũng hồi sinh.
Chuyên gia từ Viện Quản lý Kinh tế TW cho rằng, để thị trường BĐS phát triển, cần phải có giải pháp khơi thông nguồn vốn. Chỉ cần khai thông dòng vốn, có thể tạo ra phản ứng tích cực dây chuyền, giúp các DN chấn chỉnh lại sản xuất, giải quyết nợ nần, ngân hàng giảm nợ xấu
Dẫn lại kinh nghiệm những lần vượt khó, chuyên gia dẫn chứng, năm 2013, gói kích cầu tiêu dùng 30.000 tỷ đồng đã hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và kéo theo sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực kinh tế. Từ kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua cho thấy, thị trường bất động sản có khả năng phục hồi rất nhanh.
Trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, ngày 8/4/2020, Chính phủ đã ban hành NĐ 41 về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được gia hạn thêm 5 tháng. Tuy nhiên, để thi trường hồi phục một cách mạnh mẽ và có đà phát triển dài hạn thì cần tính đến những hỗ trợ lớn và rộng hơn. Đề xuất mới của HoREA là 1 hướng hợp lý khi tạo thêm nguồn lực cho DN vượt khó trước mắt nhưng dài hạn vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Giải pháp dài hạn
Theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất để khai thông nguồn lực cho thị trường BĐS vẫn là cơ chế chính sách phải được điều chỉnh và đổi mới toàn diện để khơi thông nguồn lực xã hội, vực dậy thị trường.
Ông Khương nhận định, Chính phủ đã và đang đưa ra những chính sách rất kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, mặc dù vậy, cũng nên có những hình thức và biện pháp hợp lý để đánh giá một cách tổng quan cũng như chi tiết các kiến nghị do các doanh nghiệp đề xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ nên xem xét, giải quyết một cách triệt để vấn đề pháp lý và thủ tục của dự án mới, để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn.
Trong khi đó, lãnh đạo HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương phối hợp với UBND TP HCM khẩn trương rà soát, sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có phát sinh) và được tiếp tục triển khai dự án.
Động thái này giúp tái khởi động hàng trăm dự án BĐS, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường; đáp ứng nhu cầu nhà ở cho dân, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh.
HoREA cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thi hành Luật Đất đai, trong đó có cơ chế xử lý các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen cài trong dự án nhà ở, để tái khởi động hàng trăm dự án nhà ở đang bị ách tắc hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, với những tháo gỡ luật pháp từ đầu năm 2020, cùng việc kiểm soát Covid-19, thị trường bất động sản sẽ sớm khởi sắc trở lại.
Bên cạnh đó, ông Đính đề xuất, để giải quyết hàng tồn dư lớn từ phân khúc cao cấp cần nới rộng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ lên tới 40 - 50% số căn hộ của dự án. Đây cũng là một trong những điểm nghẽn của thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Nhìn nhận lạc quan về các giải pháp thúc đẩy thị trường, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, sau đại dịch, thị trường nhà ở sẽ phục hồi nhanh nhất so với các thị trường khác. Bởi, khi đầu tư vào nhà ở khách hàng luôn phải tính đến phương án dài hạn và tính trên các yếu tố về việc đô thị hóa, sự phát triển hạ tầng, tốc độ gia tăng dân số vẫn là rất hấp dẫn.