Gạo xuất khẩu của Ấn Độ tắc nghẽn, cơ hội cho Việt Nam bán gạo

20/02/2022 15:57 GMT+7
Gần 1/3 lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1/2022 của Ấn Độ đang tắc nghẽn do thiếu các tàu vận chuyển bằng đường sắt và phần lớn các nhà giao dịch đều đã ngừng ký hợp đồng xuất khẩu trong tháng 2 để tránh bị gánh phí phạt giao hàng muộn...

Suy giảm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tạo thuận lợi cho các nước xuất khẩu khác như Thái Lan, Myanmar và Việt Nam tăng xuất khẩu với giá cao hơn. Giảm xuất khẩu cũng có thể buộc chính phủ Ấn Độ phải tăng thu mua từ nông dân. 

Các lô hàng lên tới hơn 500.000 tấn gạo non-basmati cần được vận chuyển tại các cảng của bờ Đông Ấn Độ từ bang miền Trung Chhattisgarh đã bị tắc lại do thiếu tàu chở hàng bằng đường sắt. Đây là một phần trong khoảng 1,5 triệu tấn gạo mà Ấn Độ dự kiến xuất khẩu trong tháng này. 

“Các tàu chở hàng không thể vận chuyển từ các trung tâm sản xuất tới cảng do khan hiếm tàu”, theo ông Nitin Gupta, Phó chủ tịch mảng kinh doanh gạo của hãng giao dịch hàng hóa nông sản Olam Ấn Độ. “Hiện vẫn chưa rõ về tình trạng tàu nên không có ai chào bán các lô hàng mới”. 

Các nhà chức trách đường sắt đang chuyển các toa tàu sang vận chuyển phân bón và phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo đủ nguồn cung điện cho mùa đông năm nay sau khi các nhà máy nhiệt điệt cạn kiệt than vài tháng trước. 

Trì hoãn xuất khẩu từ Ấn Độ đang gây thiệt hại lớn cho các nhà xuất khẩu gạo do cước tàu tăng tới 30.000 USD/ngày và một số nhà xuất khẩu phải trả phí phạt giao hàng trễ lên tới 500.000 USD nên toàn bộ lợi nhuận bị thổi bay, theo ông Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ. 

Gạo xuất khẩu của Ấn Độ tắc nghẽn, cơ hội cho Việt Nam bán gạo  - Ảnh 1.

Gạo xuất khẩu của Ấn Độ tắc nghẽn, cơ hội cho Việt Nam bán gạo. Ảnh: HQ

Các nhà giao dịch bắt đầu tăng giá chào bán gạo xuất khẩu để trang trải các chi phí phạt ngày càng cao và giá gạo đồ Ấn Độ 5% tấm đã tăng lên 380 USD/tấn – mức cao nhất trong vòng 6 tháng. Giá tăng và giao hàng chậm đang khiến nhiều người mua chuyển sang các nhà cung cấp đối thủ như Thái Lan và Myanmar, theo ông B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho hay. 

Được biết, Chính phủ Ấn Độ dự kiến xuất khẩu gạo trong năm thị trường 2021-2022 (tháng 4/2021 – tháng 10/2022) sẽ vượt con số kỷ lục 17,72 triệu tấn của năm 2020-2021. Trong 7 tháng đầu năm thị trường 2021-2022, nguồn cung này đã xuất khẩu 11,79 triệu tấn gạo các loại, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020/21. 

Ấn Độ tiếp tục là nguồn cung quan trọng trên thị trường thương mại gạo thế giới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại nhiều quốc gia giữa bối cảnh các nước tăng cường khối lượng lúa gạo dự trữ nhằm đối phó với nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến ngày 15/01/2022, cả nước gieo cấy được 1.909,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 104,9% cùng kỳ năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc đạt 132,1 nghìn ha, bằng 201,5%; các địa phương phía Nam đạt 1.777,7 nghìn ha, bằng 101,3%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.436,6 nghìn ha, bằng 100,6%.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài tháng 1/2022 tăng 3,2% về lượng nhưng giảm 2,8% về kim ngạch và giảm 5,8% về giá so với tháng 12/2021. So với tháng 1/2021 thì tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về kim ngạch nhưng giảm 11,8% về giá, đạt 505.741 tấn, tương đương 246,02 triệu USD, giá trung bình 486,5 USD/tấn.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo Việt Nam cập nhật đến ngày 11/2 duy trì ổn định ở mức 393 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, 373 USD/tấn đối với gạo 25% tấm và 328 USD/tấn đối với gạo 100% tấm. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan tiếp tục giảm 4 USD/tấn xuống còn 405 USD/tấn, Pakistan giảm 5 USD/tấn xuống còn 348 USD/tấn. Còn theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, giá gạo xuất khẩu trung bình trong tháng đầu năm là 486,5 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tháng 1/2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được dự báo đạt kỷ lục 509,9 triệu tấn (xay xát), giảm 0,9 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng hơn 2,6 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.

Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được USDA dự báo đạt kỷ lục 510,3 triệu tấn, giảm 0,6 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng gần 7,8 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.

USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2022 đạt 49,5 triệu tấn (xay xát), tăng gần 0,7 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng giảm 2% so với mức kỷ lục của năm trước. Phần lớn sự suy giảm trong thương mại toàn cầu so với năm trước là do Bangladesh và Việt Nam giảm nhập khẩu gạo Ấn Độ.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, lượng xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn, ước tính sẽ ở mức 6,3 triệu tấn.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục