Thị trường gạo biến động mạnh, dự báo "nóng" về giá và xuất khẩu gạo

22/02/2022 07:05 GMT+7
Các doanh nghiệp dự báo thương mại gạo sẽ tăng mạnh vào khoảng 2 tuần tới khi vụ đông xuân ở ĐBSCL vào cao điểm thu hoạch. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam cả năm 2022 dự báo tương đương các năm trước từ 6 - 6,3 triệu tấn.

Sản lượng gạo toàn cầu đạt kỷ lục 509,9 triệu tấn

Theo báo cáo tháng 1/2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được dự báo đạt kỷ lục 509,9 triệu tấn (xay xát), giảm 0,9 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng hơn 2,6 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021. 

So với niên vụ trước, Australia, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Nigeria, Paraguay, Senegal, Hàn Quốc, Tanzania và Thái Lan dự kiến sẽ chiếm phần lớn sự gia tăng sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022. 

Mức tăng nhiều nhất được dự báo tại Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Trong đó, sản lượng gạo niên vụ 2021-2022 của Ấn Độ dự báo đạt 125 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với niên vụ trước và sẽ là năm thứ 6 liên tiếp ghi nhận sản lượng cao kỷ lục. 

Tương tự, sản lượng gạo của Trung Quốc trong niên vụ 2021-2022 dự báo đạt kỷ lục gần 149 triệu tấn, tăng 0,7 triệu tấn so với niên vụ trước. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia sản xuất gạo lớn nhất trên thế giới và chiếm hơn một nửa sản lượng gạo toàn cầu hàng năm. 

Ngược lại, sản lượng dự kiến sẽ giảm tại Colombia, Ai Cập, EU, Guyana, Iran, Iraq, Kazakhstan, Madagascar, Mali, Philippines, Nga, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Uruguay và Việt Nam. Trong đó, Mỹ và Ai Cập dự kiến sẽ ghi nhận sản lượng giảm mạnh nhất.

Thị trường gạo biến động mạnh, dự báo 'nóng' về giá và xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 cũng được USDA dự báo đạt kỷ lục 510,3 triệu tấn, giảm 0,6 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng gần 7,8 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021. Ảnh: CT

Tiêu thụ chạm ngưỡng 510,3 triệu tấn

Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 cũng được USDA dự báo đạt kỷ lục 510,3 triệu tấn, giảm 0,6 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng gần 7,8 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021. Trong đó, Bangladesh, Brazil, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Guinea, Ấn Độ, Liberia, Nepal, Nigeria, Pakistan, Philippines, Tanzania và Thái Lan chiếm phần lớn mức tăng dự kiến trong tiêu dùng gạo toàn cầu niên vụ 2021-2022. 

Ngược lại, trong niên vụ 2021-2022 tiêu thụ dự kiến sẽ giảm tại Ai Cập, Indonesia, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Sự suy giảm ở Hàn Quốc và Nhật Bản là do sự thay đổi trong chế độ ăn uống và dân số giảm ở Nhật Bản hoặc tăng không đáng kể ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, sự suy giảm tại Ai Cập là do vụ mùa nhỏ hơn dẫn đến nguồn cung thắt chặt hơn, mặc dù nhập khẩu kỷ lục. Tương tự, tiêu thụ dự kiến giảm tại Mỹ do vụ thu hoạch thấp hơn năm trước. 

Trong niên vụ 2021-2022, tồn trữ gạo cuối vụ toàn cầu được dự báo đạt 186,1 triệu tấn, cao hơn 0,7 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng thấp hơn 0,4 triệu tấn so với mức kỷ lục của niên vụ 2020- 2021. 

Trung Quốc chiếm phần lớn trong sự sụt giảm dự kiến trong tồn trữ gạo cuối kỳ toàn cầu trong niên vụ 2021-2022, với khoảng 113 triệu tấn, thấp hơn 3,5 triệu so với kỷ lục của niên vụ trước. Tồn trữ lúa gạo tại Mỹ cũng dự kiến giảm 0,3 triệu tấn xuống còn khoảng 1 triệu tấn. Ngược lại, dự trữ cuối kỳ của Ấn Độ dự kiến tăng 2,3 triệu tấn lên mức kỷ lục 38,3 triệu tấn. 

Niên vụ 2021-2022, Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm 61% tổng lượng gạo tồn trữ toàn cầu và Ấn Độ chiếm gần 21%. Tỷ lệ sử dụng dự trữ gạo toàn cầu niên vụ 2021-2022 được dự báo là 36,5%, giảm so với kỷ lục 37,1% của niên vụ 2020-2021.

Thị trường gạo biến động mạnh, dự báo 'nóng' về giá và xuất khẩu gạo - Ảnh 2.

Lượng xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn, ước tính sẽ ở mức 6,3 triệu tấn.

Thương mại dự kiến đạt 49,5 triệu tấn 

USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2022 đạt 49,5 triệu tấn (xay xát), tăng gần 0,7 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng giảm 2% so với mức kỷ lục của năm trước. Phần lớn sự suy giảm trong thương mại toàn cầu so với năm trước là do Bangladesh và Việt Nam giảm nhập khẩu gạo Ấn Độ. 

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến giảm 1,8 triệu tấn, từ mức kỷ lục 20,5 triệu tấn của năm 2021 xuống 18,8 triệu tấn trong năm 2022 nhưng vẫn là mức cao thứ hai trong lịch sử của nước này. Xuất khẩu gạo của Campuchia dự kiến giảm 0,5 triệu tấn từ kỷ lục của năm 2021 xuống 1,4 triệu tấn, và xuất khẩu của Trung Quốc được sẽ giảm 0,2 triệu tấn xuống còn 2,2 triệu tấn. Xuất khẩu của Mỹ dự báo giảm gần 0,1 triệu tấn xuống 2,9 triệu tấn do nguồn cung thắt chặt dẫn đến giá cao hơn. 

Về nhập khẩu gạo toàn cầu năm 2022, nhập khẩu gạo của Bangladesh dự kiến sẽ giảm gần 2,1 triệu tấn xuống còn 0,6 triệu do sản lượng thu hoạch lớn hơn dẫn đến nguồn cung tăng. Nhập khẩu của Việt Nam cũng được dự báo giảm 1,2 triệu tấn, xuống còn 0,6 triệu tấn so với khối lượng lớn bất thường 1,8 triệu tấn của năm ngoái. 

Trước đây phần lớn nhập khẩu gạo của Việt Nam thường là các chuyến hàng qua biên giới từ Campuchia. Tuy nhiên, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn gạo tấm gạo từ Ấn Độ để làm thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm, làm bia và khoảng 1 triệu tấn gạo từ Campuchia - mức cao kỷ lục. Số lượng mua này dự kiến sẽ ít hơn nhiều vào năm 2022.

Nhập khẩu cũng được dự báo sẽ giảm tại Australia, Brazil, Trung Quốc, Guinea, Philippines, Senegal, Nam Phi và Venezuela. Với thị trường Trung Quốc, mặc dù nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến giảm 0,2 triệu tấn xuống còn 4,6 triệu tấn trong năm 2022, Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. 

Ngược lại, nhập khẩu dự kiến sẽ tăng vào năm 2022 đối với Angola, Cuba, Ai Cập, Ethiopia, EU, Gambia, Haiti, Iran, Jordan, Kenya, Triều Tiên, Kuwait, Liberia, Madagascar, Nepal, Nigeria, Oman, Panama, Peru, Qatar, Nga, Saudi Arabia, Somalia, Sri Lanka, Togo, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. 

Ai Cập dự báo có mức tăng trưởng nhập khẩu lớn nhất vào năm 2022, tăng khoảng 480.000 tấn lên mức kỷ lục 0,8 triệu tấn do sản lượng trong nước giảm. Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, lượng xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn, ước tính sẽ ở mức 6,3 triệu tấn.

Thị trường gạo biến động mạnh, dự báo 'nóng' về giá và xuất khẩu gạo - Ảnh 3.

Thị trường gạo thế giới đang có xu hướng tăng giá. Ảnh: CT

Thị trường gạo thế giới đang có xu hướng tăng giá

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường gạo thế giới đang có xu hướng tăng giá trong mấy ngày gần đây. Cụ thể gạo 5% tấm của Việt Nam được điều chỉnh tăng 5 USD/tấn từ mức 393 lên 398-400 USD/tấn, gạo Thái Lan tăng từ 401 lên 407 USD/tấn, gạo Ấn Độ từ 338 lên 343 USD/tấn; gạo Pakistan vẫn giậm chân tại chỗ. Các doanh nghiệp dự báo thương mại gạo sẽ tăng mạnh vào khoảng 2 tuần tới khi vụ đông xuân ở ĐBSCL vào cao điểm thu hoạch.

Hiện tại các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh thu mua phục vụ xuất khẩu. Theo ghi nhận giá gạo nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày 21/2 tăng. Giá gạo IR NL 504 tăng lên 8.100- 8.200 đồng/kg; Gạo TP IR ở mức 8.800-8.900 đồng/kg; tấm 1 IR 7.600 đồng/kg và cám vàng 7.600 đồng/kg.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài tháng 1/2022 tăng 3,2% về lượng nhưng giảm 2,8% về kim ngạch và giảm 5,8% về giá so với tháng 12/2021. So với tháng 1/2021 thì tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về kim ngạch nhưng giảm 11,8% về giá, đạt 505.741 tấn, tương đương 246,02 triệu USD, giá trung bình 486,5 USD/tấn.

Philippines vẫn dẫn đầu về tiêu thụ các loại gạo của Việt Nam, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, với 234.050 tấn, tương đương 110,21 triệu USD, giá trung bình 470,9 USD/tấn, tăng mạnh 54,4% về lượng, tăng 46,6% về kim ngạch nhưng giảm 5% về giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 37,8% về lượng, tăng 20,6% kim ngạch nhưng giá giảm 12,5%.

Bờ biển Ngà vượt qua thị trường Trung Quốc lên đứng thứ 2 về kim ngạch, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, với 56.675 tấn, tương đương 23,38 triệu USD, giá trung bình 391,9 USD/tấn; giảm 14,7 % về lượng, giảm 34,9% về kim ngạch và giảm 23,6% về giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 thì tăng rất mạnh 424% về lượng, tăng 252,5% kim ngạch nhưng giá giảm 32,7%.

Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 37.006 tấn, tương đương 18,99 triệu USD, giá 513 USD/tấn, giảm 37,2% về lượng và giảm 32,2% về kim ngạch nhưng tăng 8% về giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 thì giảm cả về khối lượng, kim ngạch và gía với mức giảm tương ứng 36%, 37% và 1,5%.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1/2022 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2021, với mức tăng tương ứng 163,4% và 156%; và so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục