Giao dịch chậm, giá gạo xuất khẩu khó tăng như mong muốn

25/08/2022 16:54 GMT+7
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp đà đi ngang. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn. Dự báo, năm nay, các nước sản xuất gạo lớn đều được mùa, sản lượng tăng, tồn kho cao nên giá gạo xuất khẩu khó bứt phá...

Giá lúa gạo hôm nay 25/8: Giao dịch chậm, giá ổn định

Giá lúa hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi ngang sau khi đồng loạt điều chỉnh tăng vào hôm qua. Cụ thể, nếp tươi An Giang 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.300 – 6.550 đồng/kg; Đài thơm 8 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM 18 5.800 – 6.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.

Riêng lúa IR 504 sau khi điều chỉnh tăng 100 đồng/kg hôm qua nay bất ngờ giảm 100 đồng/kg, xuống còn 5.400 – 5.500 đồng/kg.

Với giá gạo, sau khi điều chỉnh giảm hôm qua, hôm nay không biến động, thị trường giao dịch chậm. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 duy trì ổn định ở mức 8.000 – 8.050 đồng/kg, gạo thành phẩm IR 504 ở mức 8.600 – 8.650 đồng/kg.

Tương tự, giá tấm duy trì ở mức 8.400 đồng/kg; cám khô ổn định 8.000 – 8.100 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu tiếp đà đi ngang. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn.

Trong khi giá gạo Việt duy trì ổn định thì giá gạo của Thái Lan lại điều chỉnh giảm nhẹ 1 USD/tấn. Đối với gạo xuất khẩu của các quốc gia khác như Ấn Độ, Pakistan không có biến động.

Giao dịch chậm, giá gạo xuất khẩu khó tăng như mong muốn - Ảnh 1.

Giá lúa hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi ngang sau khi đồng loạt điều chỉnh tăng vào hôm qua.

Xuất khẩu gạo đang có sự gia tăng cả về sản lượng và giá trị. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo lại không được như năm 2021 mặc dù thời gian vừa qua, nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực, giá lương thực nhiều nước tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục dự báo giá xuất khẩu gạo khó có sự bứt phá mạnh khi mà giá lúa mì đã trở về bằng mức trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung từ các nước sản xuất gạo lớn cũng đang dồi dào.

Nhìn chung nhu cầu thị trường đang yếu, sức mua không cao. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Philippines, xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm. Tuy nhiên, thị trường Philippines chủ yếu có nhu cầu nhập khẩu loại gạo có mức giá trung bình.  

Những thị trường khác vẫn ổn định nhưng sản lượng nhập không cao. Do đó, khả năng thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục trầm lắng đến hết vụ thu hoạch lúa Hè Thu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện thấp hơn Thái Lan nhưng cao hơn Ấn Độ và Pakistan. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,08 triệu tấn, tương đương trên 1,99 tỷ USD, tăng 17,3% về khối lượng, tăng 6% về kim ngạch so với cùng kỳ, giá  xuất khẩu trung bình đạt 488,9 USD/tấn, giảm 9,6%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 48,6% trong tổng lượng  xuất khẩu và chiếm 46,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 1,98 triệu tấn, tương đương 924,88 triệu USD, tăng tới gần 67% về lượng, tăng 40% về kim ngạch nhưng giảm 10,9% về giá.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 11,4% trong tổng lượng và chiếm 12,2% trong tổng kim ngạch, đạt 466.225 tấn, tương đương 242,74 triệu USD, giảm 28% cả về lượng và kim ngạch; giá giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đánh giá về những thị trường nhập khẩu gạo lớn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn nguyên nhân chính là do dịch Covid-19. Năm nay, Trung Quốc có nhu cầu cao về gạo ST nhưng Việt Nam lại không có đủ để đáp ứng. Gạo ST chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Trong khi trước đây, thị trường này chủ yếu nhập khẩu là nếp, tấm nếp. Với tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc càng phức tạp thì nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm, bởi nhu cầu gạo để chế biến sang các sản phẩm khác thấp đi, do nhu cầu tiêu dùng giảm xuống.

Với thị trường Philippines, từ nay đến cuối năm sẽ khó có tăng trưởng đột phá. Bởi từ đầu năm đến nay thị trường này đã nhập khẩu tăng 20% so với cùng kỳ. Cộng với việc nước này bắt đầu vào vụ mùa, nên khả năng tăng trưởng thị trường này sẽ khó.

Với thị trường châu Phi, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, thị trường này không có đột phá, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào đây vẫn sẽ như hàng năm.

Gạo Việt vẫn có nhiều cơ hội

Trong báo cáo tháng 8, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn, giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022 do sản lượng giảm tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu.

Trái ngược với sự sụt giảm về sản lượng, USDA tiếp tục nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn, tăng nhẹ 100.000 tấn so với dự báo trước và tăng hơn 2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.

So với niên vụ trước, tiêu thụ được dự báo sẽ tăng tại Bangladesh, Trung Quốc, Nepal, Nigeria, Philippines và Việt Nam.

USDA cũng sửa đổi ước tính tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 lên mức 516,7 triệu tấn, tăng 1,9 triệu tấn, tương ứng gần 3% so với một năm trước đó và là mức cao kỷ lục thứ hai sau niên vụ 2022-2023.

Thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2023 được USDA điều chỉnh tăng nhẹ so với dự báo trước nhưng không thay đổi so với mức kỷ lục 54,7 triệu tấn của năm 2022.

So với niên vụ trước, các lô hàng xuất khẩu từ Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Guyana, Pakistan, Paraguay, Thái Lan và Uruguay dự kiến sẽ tăng lên trong năm 2023. Trong đó, xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 250.000 tấn lên mức kỷ lục 22 triệu tấn và chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu.

Mặc dù sản lượng giảm nhưng Ấn Độ vẫn có nguồn cung gạo xuất khẩu lớn và giá cả cạnh tranh. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ thậm chí còn nhiều hơn tổng khối lượng của ba nhà xuất khẩu lớn tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan cộng lại. Ngoài gạo xát nguyên hạt, Ấn Độ còn xuất khẩu khối lượng kỷ lục gạo tấm giá rẻ, chủ yếu đến Trung Quốc, Tây Phi và Việt Nam.

Ngược lại, xuất khẩu gạo của Brazil, Myanmar, Campuchia, Nga và Việt Nam dự kiến sẽ giảm vào năm 2023.

Về nhập khẩu, Trung Quốc sẽ có mức tăng nhập khẩu lớn nhất trong năm 2023, dự kiến đạt kỷ lục 6 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với năm 2022. Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn gạo tấm từ Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Thái Lan.

Trong khi đó, Philippines được dự báo vẫn sẽ là nhà nhập khẩu gạo số hai thế giới trong năm 2023 với khối lượng đạt 3,1 triệu tấn, chủ yếu là gạo chưa xay xát, giảm 100.000 tấn so với kỷ lục 3,2 triệu tấn của năm 2022.

Liên minh châu Âu dự kiến sẽ nhập khẩu kỷ lục 2,5 triệu tấn gạo vào năm 2023, tăng 100.000 tấn so với năm 2022.

Ngoài ra, Nigeria dự kiến sẽ nhập khẩu trở lại 2,2 triệu tấn gạo, chủ yếu là gạo đồ. Tương tự, nhập khẩu gạo của Mỹ cũng dự kiến đạt 1,4 triệu tấn, mức cao nhất được ghi nhận. Các quốc gia khác nhập khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo trong năm 2023 bao gồm Bờ Biển Ngà, Ghana, Iran, Iraq, Malaysia, Nepal, Ả Rập Saudi, Senegal, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Giao dịch chậm, giá gạo xuất khẩu khó tăng như mong muốn - Ảnh 2.

Lượng xuất khẩu gạo của năm 2022 vẫn đạt trên 6 triệu tấn với giá trị khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, kỳ vọng giá lên mạnh thì khó như mong muốn...

Đánh giá về giá gạo xuất khẩu năm nay không được như kỳ vọng trong khi nhu cầu lương thực thế giới vẫn ở mức cao, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, thực tế năm nay, các nước sản xuất gạo lớn đều được mùa, sản lượng tăng, tồn kho cao, trong khi nhu cầu không tăng đột biến, không có sự khan hiếm lương thực toàn cầu.

Dự báo, trong thời gian tới, giá gạo sẽ không có nhiều biến động do nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước duy trì ở mức ổn định. 

Để đẩy mạnh và ổn định lượng và giá gạo xuất khẩu, Chính phủ đã ban hành chính sách tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, cơ cấu ngành hàng lúa gạo được điều chỉnh mạnh mẽ, gồm thay đổi quy trình canh tác, tập trung nâng cao chất lượng gạo hơn là tăng sản lượng.

Tỷ lệ sản xuất gạo ngon, đặc sản và chất lượng cao tăng dần qua các năm và đang chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu sản xuất lúa gạo trong nước.

Bên cạnh đó, cơ cấu sản xuất lúa gạo của ta đã tương đối đa dạng, phong phú với nhiều giống lúa gạo khác nhau, giúp đáp ứng nhiều phân khúc thị trường. Hiện tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng của ta ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xuất khẩu gạo hữu cơ cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng nhưng với tỷ trọng nhỏ.

Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia, bao gồm các FTA lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Qua đó, tạo điều kiện cho sản phẩm gạo của Việt Nam dễ dàng thâm nhập nhiều thị trường, bao gồm các thị trường khó tính như Nhật Bản, tạo sự bứt phá cho hoạt động xuất khẩu gạo.

Khác với nhiều loại hàng hoá - nguyên liệu thô khác, nhu cầu về lương thực, thực phẩm trên thị trường toàn cầu vẫn ở mức tốt bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây cũng là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam.

Tuy thị trường hiện chưa có nhiều tín hiệu tích cực nhưng các cơ quan chức năng dự báo, từ nay đến cuối năm xuất khẩu gạo cả nước sẽ vẫn đạt được khoảng 2 triệu tấn. Lượng xuất khẩu gạo của năm 2022 vẫn đạt trên 6 triệu tấn với giá trị khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, kỳ vọng giá lên mạnh thì khó như mong muốn...


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục