Vì sao số lượng gạo Việt vẫn còn khiêm tốn tại các thị trường cao cấp?

19/08/2022 06:55 GMT+7
Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan hiện đã rớt xuống dưới mốc 400 USD/tấn, thấp nhất kể từ đầu năm.

Cạnh tranh gay gắt ở phân khúc gạo trắng thông thường

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần qua 2 cường quốc xuất khẩu gạo là Thái Lan và Ấn Độ chào bán gạo trắng hạt dài liên tục giảm nguyên nhân là do giá trong nước hạ nhiệt, thiếu vắng nhu cầu nhập khẩu mới và đồng baht, rupee suy yếu so với USD. Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan hiện đã rớt xuống dưới mốc 400 USD/tấn, thấp nhất kể từ đầu năm. Gạo Ấn Độ cũng lình xình ở mức dưới 350 USD/tấn do các thị trường giảm nhập khẩu.

Do bị cạnh tranh gay gắt ở phân khúc gạo trắng thông thường, gạo Việt Nam loại 5%, 25% cũng đã giảm về mốc dưới 400 USD/tấn, riêng chỉ có gạo 100% tấm duy trì được mức giá 383 USD/tấn và gạo thơm Jasmines vẫn giữ được giá trên 500 USD/tấn, ngang bằng với thời điểm đầu năm. Điều này cho thấy phân khúc gạo thơm, phẩm cấp cao đang ngày càng được thị trường ưa chuộng và còn nhiều dư địa tăng sản lượng, tăng giá xuất khẩu.

Vì sao số lượng gạo Việt vẫn còn khiêm tốn tại các thị trường cao cấp? - Ảnh 1.

Gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường cao cấp như Mỹ, EU. Ảnh: Lộc Trời

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 4,19 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ 2021. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay.

Về thị trường xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay đã nổi lên nhân tố mới, đó là xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng đến hơn 65%. Tiếp đến là xuất khẩu gạo sang EU cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Nếu như cả năm 2021 xuất khẩu gạo sang thị trường này chỉ đạt khoảng 60.000 tấn thì chỉ trong 4 tháng đầu năm đã có trên 15.000 tấn gạo thơm, phẩm cấp cao của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này.

Nhận định về thị trường lúa gạo trong những tháng cuối năm 2022, ông Phạm Quang Diệu, Công ty Agromonitor (chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo), cho biết diễn biến trong những tháng đầu năm cho thấy mặt bằng giá gạo năm 2022 có cao hơn năm 2021 nhưng lại thấp hơn năm 2019.

Hiện nay phân khúc gạo thơm của Việt Nam như các dòng gạo ST, Đài thơm 8, OM 18, Jasmines…đang có mức giá rất hấp dẫn nhưng rất tiếc là sản lượng còn ít (chiếm chưa đến 40%).

Như vậy, để "né" cạnh tranh thì Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển sang sản xuất gạo thơm, gạo phẩm cấp cao, gạo dinh dưỡng để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Dư địa thị trường gạo thơm còn rất lớn

Theo Chủ tịch VFA Nguyễn Ngọc Nam, nhờ các loại gạo thơm, phẩm cấp cao, gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường cao cấp như Mỹ, EU... Đặc biệt, mới đây Nhật Bản đã chính thức nhập khẩu 100 tấn gạo ST25 đầu tiên của Việt Nam để bán tại các siêu thị, cửa hàng.

"Lợi thế của Việt Nam là đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) trong đó hiệp định lớn như CPTPP, EVFTA.

Chỉ riêng với EU, hàng năm nhu cầu nhập khẩu gạo lên đến 3-4 triệu tấn. Hiện nay thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,1% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU.

Trong khi đó, theo cam kết EVFTA, gạo Việt Nam được miễn thuế với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm; trong đó, 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm; đồng thời, tự do hoàn toàn đối với gạo tấm. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này", ông Nam nhận định.

Cũng theo Chủ tịch VFA, thị trường EU hay các thị trường cao cấp khác giá mua cao hơn nhiều so với thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc nhưng yêu cầu của họ rất cao về chất lượng, truy suất nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên doanh nghiệp cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những thị trường này.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An trong những tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu gạo của doanh nghiệp tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là nhờ phần lớn sản lượng gạo của doanh nghiệp đã được xuất khẩu vào thị trường giá cao là Hàn Quốc và EU. Hiện, nhu cầu gạo và sản phẩm sau gạo như bún, phở được các nước châu Âu đặt hàng nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường này rất lớn.

Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu sang thị trường này thì các doanh nghiệp phải tổ chức được vùng nguyên liệu, thay đổi công nghệ chế biến, bảo quản…đáp ứng được các yêu cầu của quốc gia nhập khẩu.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cơ cấu, cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với định hướng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt.

Hiện tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu.

Nhận định về một số khó khăn đối với xuất khẩu gạo sang thị trường EU, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, để gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan thì sản phẩm phải được chứng nhận đảm bảo tính đúng giống. Do đó, doanh nghiệp phải có diện tích canh tác đảm bảo đúng giống, chất lượng.

Việc triển khai vùng trồng, giống, đánh giá đồng ruộng, xác nhận giống, thu hoạch… phải đảm bảo đúng theo quy định để có được xác nhận về giống lúa sản xuất. Từ đó, Cục Trồng trọt sẽ cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, để thúc đẩy tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững, Bộ NN&PTNN sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đồng thời tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn lực về tài chính, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững với các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, như: SRP, GlobalGAP, VietGAP…

Theo Nhà đầu tư
Cùng chuyên mục