Giày Sài Gòn (SSF) kinh doanh bết bát, âm vốn sở hữu, lên kế hoạch lãi trước thuế 150 triệu đồng
Kinh doanh bết bát, Giày Sài Gòn âm vốn sở hữu hàng chục tỷ đồng
Kết quả kinh doanh năm 2021, Công ty CP Giáo dục G Sài Gòn (Trước đây là CTCP Giày Sài Gòn, Giày Sài Gòn; UPCoM: SSF) ghi nhận doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng, hoàn thành 75,5% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế lỗ 1,6 tỷ đồng.
Theo Công ty, năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên một vài đối tác đã trả mặt bằng hoặc thu hẹp diện tích thuê, một vài khách hàng đề nghị hỗ trợ giảm giá thuê trong thời gian dịch bẹnh. Do đó doanh thu chỉ đạt 75,5% kế hoạch và bằng 73,5% so với năm 2020. Với những khó khăn này, năm 2021, công ty không thể giữ mức lãi như năm 2020 và kế hoạch đề ra với mức lỗ là 1,6 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Giày Sài Gòn đạt 2,8 tỷ đồng, giảm 46% so với đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền giảm 97% xuống còn 43,8 triệu đồng. Nợ phải trả giảm nhẹ về 35 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn giảm từ 18,9 tỷ về 18,2 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu bị âm 32,4 tỷ đồng.
Tổng tiền phải trả nhà cung cấp đang cao hơn tổng tiền phải thu khách hàng, chủ yếu là phải trả các khoản thu công nợ từ năm 2015. Năm 2017, Công ty đã vay vốn cá nhân ông Lê Đức Thành 3 tỷ đồng, mượn vốn ông Nguyễn Đoàn Duy Thanh số tiền 17,07 tỷ đồng để thanh toán trợ cấp cho người lao động và nộp thuế.
Hiện tại, công ty chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2022.
Giày Sài Gòn lên kế hoạch lãi vỏn vẹn 150 triệu đồng
Năm 2022, Giày Sài Gòn đặt mục tiêu doanh thu đạt 6,6 tỷ đồng, tăng 132,3% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 150 triệu đồng.
Trong năm nay, Công ty cho biết sẽ tập trung giải quyết các khó khăn tồn đọng nhằm tiêu hướng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, công ty tập trung khai tác tối đa tận dụng mặt bằng hiện hữu cho thuê đề nguồn trang trải chi phí và từng bước giải quyết các vấn đề tồn đọng. Trong đó, chú trọng đến các chế độ cho người lao động, các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Thực hiện các thủ tục pháp lý để xin chính quyền thành phố cho thuê đất tại 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q. 10) để Công ty tiếp tục đầu tư kinh doanh.
Xây dựng phương án huy động tài chính để nâng vốn điều lệ nhằm giải quyết các nhu cầu tài chính của công ty và đủ điều kiện vốn tối thiểu để thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh công trình phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tại số 419 Lê Hồng Phong.
Theo tìm hiểu, SSF tiền thân là Nhà máy Giày Bata của Pháp được thành lập năm 1950. Doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Giày Sài Gòn năm 1994. Sau năm 1975, là xí nghiệp Giày Sài Gòn thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Công ty chính thức được cổ phần hóa vào năm 2004.
Năm 2007, Công ty trở thành công ty đại chúng. Ngày 20/4/2010, Giày Sào Gòn chính thức giao dịch trên UPCoM với mã SSF. Năm 2020, Công ty CP Giày Sài Gòn đổi tên thành Công ty CP Giáo dục G Sài Gòn.
Công ty hiện có vốn điều lệ 32 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh: Ngành nghề kinh doanh chính là giáo dục nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học,..; đào tạo nghề; sản xuất kinh doanh giày dép, túi xách,...
Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp nằm tại số 419 Lê Hồng Phong, Quận 10, TP HCM. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Nguyễn Quốc Đại (SN 1974).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/6, cổ phiếu SSF đứng ở mức 5.500 đồng/cổ phiếu.