Quảng Ngãi: Tư vấn, phản biện phần điều chỉnh mở rộng của dự án thép tỷ đô

14/06/2022 11:29 GMT+7
Trong những nội dung tại buổi tư vấn, phản biện về việc đề xuất mở rộng của chủ đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, đáng chú ý là vấn đề về môi trường, quản lý và kiểm soát ô nhiễm…

Sáng 14/6, theo thông tin PV Etime thu tập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi và lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam, đã có buổi chủ trì tư vấn, phản biện dự án Khu liên hợp sản xuất gang (gọi tắt dự án) thép Hòa Phát Dung Quất (dự án điều chỉnh).

Quảng Ngãi: Tư vấn, phản biện phần điều chỉnh mở rộng của dự án thép tỷ đô  - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi phản biện, tư vấn. Ảnh: Hoàng Hiếu.

Được biết dự án thép Hòa Phát Dung Quất, KKT Dung Quất có công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án và vận hành vào quý I/2020; chủ đầu tư là Tập đoàn Hoà Phát tiếp tục đầu tư thực hiện giai đoạn 2 và đến thời điểm này, đang vận hành thử nghiệm, hoàn thiện để chính thức đưa vào hoạt động trong thời gian đến.

Tuy nhiên để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, chủ động về nguồn nguyên liệu thép chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, Tập đoàn Hoà phát đề nghị điều chỉnh công suất thiết kế của dự án Hoà Phát Dung Quất từ 4 - 6 triệu tấn/năm.

Chủ đầu tư cho biết, việc đề xuất điều chỉnh nâng công suất không làm thay đổi công nghệ đang sử dụng, không phát sinh hóa chất độc hại ra môi trường, không tăng diện tích đất… Dự án điều chỉnh sẽ tăng tổng vốn đầu tư thêm 26.000 tỷ đồng.

Theo đó để đảm bảo khả năng tiếp nhận, xuất nhập hàng hóa, nguyên vật liệu sau khi nâng công suất dự án, Hòa Phát sẽ đầu tư và kéo dài bến số 10 và 11 thêm 50m, đảm bảo cầu cảng tiếp nhận tàu trọng tải đến 250 nghìn DWT; Cảng tổng hợp – conteiner Hòa Phát Dung Quất, với công suất 6 triệu tấn/năm cũng đang được triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành trong quý III/2023...

Quảng Ngãi: Tư vấn, phản biện phần điều chỉnh mở rộng của dự án thép tỷ đô  - Ảnh 3.

Khu vực đầu tư dự án Hoà Phát Dung Quất. Ảnh: Hoàng Hiếu.

Tại buổi tư vấn, phản biện, trong những nội dung mà các thành viên nêu ra và phân tích (đối với phần đề xuất mở rộng), đáng chú ý là vấn đề về môi trường, quản lý và kiểm soát ô nhiễm; cơ sở hạ tầng, sự phù hợp của dự án điều chỉnh…

Các nhận xét đều cho rằng, sản xuất luyện kim luôn có những yếu tố tác động tiêu cực động đến môi trường, nếu không được quan tâm đúng mức, sẽ có sự ảnh hưởng. Bởi dự án chế biến một lượng lớn quặng sắt, than, đá vôi, nên phát thải khối lượng lớn chất thải khí, rắn và lỏng.

Vì vậy chủ đầu tư cần có giải pháp thích hợp, để đạt được cam kết bảo vệ môi trường sau khi nâng công suất dự án, như các thiết bị công nghệ lắp đặt bổ sung cần đồng bộ, hiện đại…

Trên cơ sở góp ý, phản biện của các chuyên gia, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi nhìn nhận, dự án điều chỉnh Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tăng quy mô công suất, là phù hợp với quy hoạch phát triển ngành thép, đảm bảo tính khả thi về thị trường.

Quảng Ngãi: Tư vấn, phản biện phần điều chỉnh mở rộng của dự án thép tỷ đô  - Ảnh 5.

Một gcs bên trong dự án Hoà Phát Dung Quất. Ảnh: Hoàng Hiếu.

Theo đó Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị nhà đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu về đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, về công nghệ và thiết bị… Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến cung cấp cho cơ quan chức năng nghiên cứu tham khảo, thẩm định điều chỉnh dự án.

Hoàng Hiếu
Cùng chuyên mục