Hạ lãi suất huy động nhưng đừng gây “sốc”
Khảo sát biểu lãi suất của hơn 30 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, mặc dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã được các ngân hàng thương mại đưa về 4,25% theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực từ 13/5 vừa qua.
Tuy nhiên, với kỳ hạn trên 6 tháng, lãi suất huy động hiện vẫn được các ngân hàng giữ ở mức cao và mức lãi suất cao nhất lên tới 9,2%. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất ghi nhận tại các ngân hàng trước khi quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN có hiệu lực.
Gửi 500 tỷ, lãi tiền gửi lên tới 3,8 tỷ đồng/tháng
Theo đó, SHB vẫn là "quán quân" về lãi suất tại quầy với kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện để hưởng lãi suất 9,2%/năm, khách hàng phải gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
Cùng số tiền gửi trên 500 tỷ đồng nhưng lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng tại ngân hàng này lại thấp hơn, lần lượt là 8,9% và 7,8% mỗi năm. Còn với số tiền thấp hơn, mức lãi suất cao nhất tại SHB là 7,3%/năm áp dụng tại kỳ hạn trên 36 tháng.
VietCapital Bank của bà Nguyễn Thanh Phượng là ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi đứng thứ 2 hệ thống. Tuy nhiên, mức lãi suất cao nhất tại nhà băng này thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với mức lãi suất cao nhất SHB đang niêm yết. Mức tiền gửi cai nhất 8,5%/năm của VietCapital Bank cũng áp dụng đối với khoản tiền gửi có giá trị từ 500 tỷ trở với kỳ hạn 13 tháng.
Với cùng điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng và ở kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, ABBank công bố mức lãi suất 8,3%/năm.
Trong khi đó, Eximbank lại đưa ra mức lãi suất hấp dẫn 8,4% ở kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi trên 100 tỷ đồng, dành cho khách hàng mở mới tài khoản. Còn với kỳ hạn 24 tháng, ngân hàng này đưa mức lãi suất 8,4% dành cho khách hàng gửi số tiền trên 500 tỷ đồng, 8,2% với số tiền gửi 300-500 tỷ đồng và 8% với 200-300 tỷ đồng, với số tiền dưới 200 tỷ đồng là 7,5%/năm.
Một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên 8%/năm gồm: NCB, OCB, Nam Á Bank, SCB...
Hạ lãi suất huy động nhưng đừng gây "sốc"
Lý giải về việc vì sao mặt bằng lãi suất huy động dài hạn còn cao trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm khi hệ thống ngân hàng vẫn đang nỗ lực cắt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, một chuyên gia thuộc ban kinh tế Trung ương cho rằng, đó là vì sự nhạy cảm lãi suất giữa cung và cầu tại Việt Nam còn yếu. Tuy nhiên, dần dần lãi suất cũng sẽ hạ khi kinh tế đang đi xuống và lãi suất liên ngân hàng đang giảm mạnh.
Chuyên gia Cấn Văn Lực lại cho rằng, lãi suất đã rất nhạy cảm, vì liên quan đến "miếng cơm manh áo" của nhân viên. Theo ông Lực, không ngân hàng nào chấp nhận huy động vào lãi suất 7%/năm và cho vay với lãi suất 8%/năm để chịu lỗ. Đương nhiên, trong một số trường hợp, các ngân hàng thương mại cần phải chấp nhận lãi suất đầu vào hơi cao, trong khi giảm lãi suất đầu ra theo yêu cầu của NHNN. Lúc đó, các ngân hàng sẽ tính tới việc tăng các nguồn thu khác liên quan đến dịch vụ, bán chéo sản xuất... "Nhưng tôi khẳng định rằng lãi suất huy động hiện nay đã giảm tương đối nhiều so với đầu năm", ông Lực nhấn mạnh.
Trên thực tế, NHNN chỉ áp dụng trần lãi suất huy động đối với khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn. Đối với các khoản tiền gửi trung và dài hạn, NHNN cho phép các ngân hàng quyết định (phụ thuộc vào thị trường, vào sức khỏe tài chính và nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng). Cũng chính vì lẽ đó, đến nay dù NHNN đã 2 lần hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn từ đầu năm đến này những lãi suất huy động dài hạn mức hạ lãi suất của kỳ hạn dài vẫn còn khá khiêm tốn. Điều này cũng là nguyên nhân "co hẹp" dư địa giảm lái suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19.
Trước đó, ông Đặng Hồng Anh (Shark Hồng Anh) - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam từng đề xuất, NHNN nên đưa mức lãi suất tiền gửi dài hạn về quanh mức 5% để ngân hàng có cơ hội giảm mạnh lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một NHTM, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết, giảm lãi suất huy động là việc mà các ngân hàng rất muốn. Thế nhưng, giảm lãi suất không nên giảm sốc mà cần tạo ra xu hướng. "Hạ sốc gây bất ổn cho nền kinh tế. "Bản thân người gửi tiền cũng cần đảm bảo quyền lợi, không cẩn thận tiền rút quá nhanh khỏi hệ thống thì lại gây bất ổn thanh khoản", ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Tùng thông tin thêm, lãi suất hiện nay các tổ chức nước ngoài cho Việt Nam vay cũng trên 5%/năm – 6%/năm. Vì vậy, không có lẽ gì lãi suất huy động trong dân cư lại chỉ ở mức 5%. "Cái đó là không thực tế, nhưng khi lạm phát được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô ổn định cùng với các yếu tố vĩ mô khác hỗ trợ lúc đó chính là viễn cảnh tốt để lãi suất hạ xuống mức phù hợp", vị lãnh đạo ngân hàng cho hay.