HAGL: Từ thua lỗ triền miên, chăn nuôi heo sau 1 năm đã có lãi, doanh thu ngang ngửa mảng trái cây

27/07/2021 10:53 GMT+7
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021.

Nuôi heo sau 1 năm HAGL đã có lãi, doanh thu ngang ngửa mảng trái cây

Cụ thể, doanh thu giảm so 16% với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 535 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán trái cây giảm từ 517 tỷ (quý II/2020) xuống còn gần 193 tỷ đồng, giảm 63%.

Nguyên nhân được lý giải là không còn hợp nhất với nhóm HAGL Agrico (HNG).

Đáng chú ý, mảng chăn nuôi heo sau 1 năm tuyên bố đầu tư chính thức ghi nhận doanh thu với 190 tỷ đồng, thậm chí cao hơn doanh thu cốt lõi là mảng trái cây. Tập đoàn bắt đầu ghi nhận doanh thu từ bán heo trong quý IV/2020.

Doanh thu bán hàng hoá đóng góp 77 tỷ và các dịch vụ khác thu về 78 tỷ đồng, tăng tốt so với quý II/2020. HAGL không còn doanh thu bán mủ cao su do không còn hợp nhất với HNG.

 - Ảnh 1.

Sau 1 năm mảng chăn nuôi heo của HGAL đã thu về 94 tỷ lãi gộp trong quý II. Ảnh: HAGL.

Biên lợi nhuận gộp mảng trái cây là hơn 22% trong quý II còn mảng bán heo lên tới hơn 49%.

Trong kỳ, HAGL được hoàn nhập chi phí dự phòng 261 tỷ trong mục chi phí quản lý doanh nghiệp cùng với việc chi phí vận chuyển và dịch vụ mua ngoài giảm giúp tập đoàn báo lãi sau thuế quý II 87 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước âm 1.329 tỷ. 

HAGL đã có lãi sau 8 quý thua lỗ liên tiếp.

Nói thêm về khoản lỗ khác 165 tỷ trong kì chủ yếu đến từ chi phí chuyển đổi vườn cây và một phần lỗ từ thanh lý tài sản cố định. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, HAGL đạt 801 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi ròng 28 tỷ trong khi nửa đầu năm 2020 lỗ ròng 1.156 tỷ đồng. Khoản lỗ luỹ kế sau thuế chưa phân phối tới hết quý II là 7.549 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 823 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, HAGL lãi ròng gần 28 triệu, cùng kỳ lỗ hơn 1.155 tỷ đồng.

HAGL: Từ thua lỗ triền miên, chăn nuôi heo sau 1 năm đã có lãi, doanh thu ngang ngửa mảng trái cây - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của HAGL.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của HAGL là 18.150 tỷ đồng, giảm 266 tỷ so với cuối quý I nhưng giảm một nửa so với đầu năm do không còn hợp nhất với CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) từ ngày 8/1.

Cuối quý II, khoản phải thu ngắn hạn của HAGL có giá trị 4.383 tỷ đồng sau khi đã phải trích lập dự phòng 2.245 tỷ đồng. Khoản này tăng gần 19% so với cuối quý I. Trong đó, phải thu cho vay ngắn hạn lên tới 5.332 tỷ.

Bên cạnh đó, HAGL cũng có gần 4.078 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn. 

Tổng nợ đi vay tại ngày 30/6 là 8.279 tỷ đồng, giảm gần 5% so với cuối quý I và gấp gần 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó nợ ngân hàng 1.656 tỷ đồng với 551 tỷ nợ dài hạn và 1.105 tỷ nợ ngắn hạn.

Ngoài nợ ngân hàng thì dư nợ trái phiếu của HAGL là hơn 6.481 tỷ đồng với 6.114 tỷ nợ dài hạn.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm của HAGL chỉ còn âm 161 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước âm 1.075 tỷ. Bên cạnh đó, vốn lưu động cuối quý II của HAGL đã dương 69 tỷ trong khi các quý trước liên tục âm.

HAGL lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 9 

Liên quan đến HGAL, mới đây công ty vừa công bố nghị quyết tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 vào tháng 9 tới tại tỉnh Gia Lai. Thời điểm cụ thể sẽ tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn cho cổ đông, và tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

HĐQT cho biết sẽ họp lại và bàn vào tuần đầu tiên của tháng 8 để chốt ngày tổ chức, đồng thời tiến hành thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự họp theo quy định.

Theo báo cáo thường niên năm 2020, từ năm 2021 trở đi, HAGL đặt mục tiêu hàng đầu là tái cấu trúc sâu rộng nhằm giảm bớt nợ ngân hàng, chọn lọc và tinh gọn hoạt động sản xuất kinh doanh, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh rồi mới mở rộng.

Sau khi không còn hợp nhất với HAGL Agrico, báo cáo tài chính hợp nhất quý I của HAGL ghi nhận tổng nợ đi vay giảm tới 9.393 tỷ so với đầu năm còn 8.710 tỷ đồng.

Giữa tháng 6, HAGL đã tất toán toàn bộ khoản nợ trái phiếu 407 tỷ đồng đối với ngân hàng HDBank kể từ hôm 16/5 sau khi bán thỏa thuận 79,87 triệu cổ phiếu HNG và giảm sở hữu tại HAGL Agrico từ 23,28% xuống 16,07% vốn.

Vào đầu tháng 7, HAGL tiếp tục đăng ký bán 51,5 triệu cổ phiếu HNG để giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 16,07% xuống còn 11,43% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua phương thức bán thoả thuận, thời gian thực hiện ngày 7/7 - 5/8. Mục đích nhằm tái cơ cấu tài chính.

Song, việc liên tục bán ra cổ phiếu HNG của HAGL đã khiến cổ phiếu HNG trên thị trường giảm sâu. Đây là một trong ba nguyên nhân khiến Thaco thông báo dừng đầu tư mới vào HNG mới đây.

Theo Thagrico - Công ty nông nghiệp của Thaco Group, từ đầu năm đến nay, phía HAGL đã liên tục bán cổ phiếu HNG với khối lượng lớn để giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm này xuống còn 16,34% và sẽ còn giảm xuống 11,43% như đã công bố.

Trong khi đó, theo cam kết phát hành cổ phần thì nhóm HAGL phải duy trì tỷ lệ sở hữu tại HAGL Agrico là 25,24%. Điều này đã khiến giá cổ phiếu HNG giảm xuống dưới mệnh giá.

Trong năm 2020, HAGL ghi nhận lỗ sau thuế hơn 2.368 tỷ đồng. Lý giải cho vấn đề này, ban lãnh đạo HAG cho biết do ban tổng giám đốc quyết định ghi nhận dự phòng các khoản công nợ tồn đọng và dự phòng đầu tư vào CTCP Chăn nuôi Gia Lai theo nguyên tắc thận trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.

Trong năm 2021, ban tổng giám đốc đang tiến hành lập kế hoạch và cam kết lợi nhuận cho năm 2021. Dự kiến lợi nhuận sẽ được tạo ra chủ yếu từ hai nguồn chính.

Thứ nhất, về hoạt động sản xuất kinh doanh, theo kế hoạch, mảng kinh doanh trái cây sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận vì HAG đã có lượng khách hàng ổn định và đang tiếp tục mở rộng thị trường.

Thứ hai, về hoạt động tài chính, dự kiến nghiệp vụ thoái vốn khoản đầu tư vào CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) sẽ tạo ra lợi nhuận khá nhiều và đủ khả năng bù đắp chi phí lãi vay. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cũng giảm do số dự nợ vay giảm nhiều so với các năm trước.

Gần đây, HAGL cho biết sẽ góp vốn thành lập công ty con mang tên Công ty TNHH Một thành viên Bờ Y (Công ty Bờ Y), tọa lạc tại tỉnh Kon Tum.

Trước đó, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL cho biết, tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến triển khai dự án trồng rừng cây gỗ lớn với tổng diễn tích khoảng 2.000 ha.

Xây dựng nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW (nhà máy này sử dụng nguyên liệu chính là gỗ trồng rừng, gỗ còn thừa sau khi chế biến và các phế phẩm nông nghiệp để phát điện); xây dựng nhà máy chế biến gỗ, sản xuất viên nén..., với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Như vậy, HAGL đang dần tiến thân vào mảng gỗ bằng việc thành lập một công ty mới có liên quan tới hoạt động trồng rừng và khai thác, sản xuất gỗ. Trước kia, tiền thân của HAGL là xưởng sản xuất đồ gỗ đầu những năm 90.

Ngoài ra, HAGL cũng muốn đầu tư vào dự án bất động sản 80 ha tại Kon Tum sau khi tập đoàn đã thoái vốn hoàn toàn khỏi mảng kinh doanh này cách đây gần hai năm.


An Vũ
Cùng chuyên mục