Mảng hóa chất tăng trưởng vượt bậc, chiếm 20% lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ

26/07/2021 17:41 GMT+7
Hiện tỷ trọng lợi nhuận từ mảng hóa chất của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) chiếm trung bình trên 20% trong cơ cấu tổng lợi nhuận của công ty.

Theo tờ Doanh nghiệp và Niêm Yết, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu hợp nhất đạt trên 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 600 tỷ đồng.

Kết quả này lần lượt tăng 25% và tăng 22% so với kết quả cùng kỳ năm ngoái. Ước tính sau 6 tháng, Đạm Phú Mỹ đã thực hiện được 60% kế hoạch doanh thu và vượt 37% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021.

Đạm Phú Mỹ cho biết, sau thời gian chú trọng phát triển mảng sản phẩm chính phân bón, những năm gần đây, công ty đang tập trung phát triển mảng kinh doanh chính thứ hai của mình là hóa chất, chủ yếu là các loại hóa chất chuyên dụng, gồm NH3 (ammonia), UFC 85, CO2 và hóa chất chuyên dụng dầu khí.

Hiện tỷ trọng lợi nhuận từ mảng hóa chất chiếm trung bình trên 20% trong cơ cấu tổng lợi nhuận của công ty.

Kết quả trong nửa đầu năm, Đạm phú Mỹ đã cung cấp được 32.000 tấn ammonia ra thị trường, đạt 50% kế hoạch năm. Doanh thu và lợi nhuận từ mảng hóa chất này đã tăng trưởng nhiều so với cùng kỳ do giá các sản phẩm hóa chất cơ bản, trong đó có ammonia (NH3) trên thế giới tăng mạnh.

Theo số liệu thống kê của CRU và Fertecon (các công ty phân tích, dự báo thị trường có uy tín quốc tế), giá ammonia trên thế giới đã gia tăng mạnh mẽ do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu từ các hộ tiêu thụ lớn tiếp tục tăng lên trong những tháng đầu năm 2021.

Mảng hóa chất tăng trưởng vượt bậc, chiếm 20% lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ - Ảnh 1.

Mảng hóa chất tăng trưởng vượt bậc, chiếm 20% lợi nhuận của DPM. Ảnh Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Theo CRU ammonia, tháng 12/2020, giá ammonia tại khu vực Biển Đen vẫn còn giao dịch ở mức 223 USD/tấn thì qua năm 2021 giá ammonia đã tăng không ngừng nghỉ. Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra với hầu hết các khu vực thị trường lớn về ammonia.

Tại Đông Nam Á, đến nay mức giá giao dịch mới cũng đã đạt 620 USD/tấn, tăng 240% so với tháng 12/2020. Mức tăng này được ghi nhận là cao nhất kể từ 2012 đến nay. Một số thị trường vùng Viễn Đông đã phải chấp nhận mua ammonia với mức giá 680USD/mt CFR. Một số nhà sản xuất ammonia lớn như ToAz, Sabic, Kaltim, Ma’aden cũng tuyên bố không còn hàng để chào bán cho đến hết tháng 7/2021.

Dự báo trong ngắn hạn giá ammonia vẫn neo ở mức cao và có thể xuất hiện thêm một làn sóng tăng giá mới nếu Nhà máy ammonia của Ma’aden chưa hoạt động trở lại trong khi các hộ tiêu thụ vẫn tích cực tìm hàng trong tháng 7 và tháng 8/2021.

Từ năm 2018, sau khi hoàn thành dự án nâng công suất phân xưởng ammonia, DPM đã trở thành đơn vị sản xuất kinh doanh ammonia lớn nhất Việt Nam. Với năng lực sản xuất 540.000 tấn/năm, ngoài phần sử dụng làm nguyên liệu sản xuất Urea/NPK, DPM cung cấp cho các khách hàng 80.000 tấn/năm, chiếm khoảng 90% thị phần ammonia khu vực phía nam.

Mặc dù vừa qua Nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng bảo dưỡng định kỳ 30 ngày nhưng với năng lực lập kế hoạch, điều độ và tồn trữ tốt nên trong 6 tháng đầu năm DPM đã cung cấp được 32 ngàn tấn ammonia ra thị trường, đạt 50% kế hoạch năm 2021.

Việc cung ứng ammonia của DPM ngay cả trong thời điểm Nhà máy bảo dưỡng đã kịp thời đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất tại khu vực, được khách hàng ghi nhận, đánh giá cao và mang lại hiệu quả kinh doanh lớn cho DPM.

Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm để “đi bằng hai chân phân bón và hóa chất” mà DPM triển khai đã giúp củng cố năng lực cạnh tranh, gia tăng chuỗi giá trị, đặc biệt phát huy lợi thế trong bối cạnh thị trường hàng hóa cơ bản biến động mạnh như hiện nay.


PV
Cùng chuyên mục