Hai đoạn dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khó lựa chọn nhà đầu tư
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) có quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài khoảng 220 km.
Tuyến cao tốc này bao gồm các đoạn: Dầu Giây - Tân Phú (dài 60 km), Tân Phú - Bảo Lộc (dài 67 km), Bảo Lộc - Liên Khương (dài 74 km), Liên Khương - Prenn (dài 19 km).
Bộ GTVT, đến nay, đoạn Liên Khương - Prenn đã đưa vào khai thác sử dụng. Các đoạn còn lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo Bộ GTVT, đoạn Dầu Giây - Tân Phú đã phê duyệt dự án đầu tư và đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027.
Ngoài ra, các đoạn: Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương cũng đang được các cơ quan chức năng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để phê duyệt dự án và triển khai các bước tiếp theo.
Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và các cơ quan liên quan đẩy nhanh các thủ tục theo quy định pháp luật để khởi công tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp.
Theo đại diện Bộ GTVT, việc lựa chọn nhà đầu tư 2 dự án: Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương còn gặp khó khăn do thời gian thu phí còn dài.
Đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án bổ sung vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án.
Trước đó, trao đổi với PV, lãnh đạo một doanh nghiệp từng quan tâm đầu tư cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương cho biết, nghiên cứu dự án này, điều lấn cấn nhất của doanh nghiệp là lưu lượng phương tiện.
Theo khảo sát, khu vực tuyến đường đi qua nằm ở vùng du lịch, lưu lượng phương tiện dự báo chỉ cao điểm theo mùa và chủ yếu là xe con. Song song với tuyến cao tốc là quốc lộ 20 đã được đầu tư với chất lượng khá tốt, thu hút xe tải lưu thông.
Với kịch bản lạc quan được tính toán 9.000 xe/ngày đêm, thời gian thu phí hoàn vốn cũng lên tới khoảng 23 năm. Tổng vốn đầu tư lớn (hơn 17.000 tỷ đồng), thời gian thu phí kéo dài, việc thương thảo để ngân hàng cho vay không hề dễ dàng.