Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021
Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 tại Kế hoạch số 09/KH-NHNN góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức quốc tế và trong nước dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 trong khoảng từ 1,5-3,3% (tổ chức quốc tế dự báo 1,5-3,3%; tổ chức trong nước dự báo 2-3%). Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Chính phủ, kinh tế quý III-2020 đã bắt đầu hồi phục, tạo đà thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Việt Nam có các yếu tố thuận lợi như: Tâm lý lạc quan và nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng lên; khu vực sản xuất có những tín hiệu khả quan, xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá tốt hơn trong những tháng cuối năm 2020 thúc đẩy dòng vốn tín dụng cho việc tái sản xuất; chính sách kích cầu trong nước và khả năng nối lại du lịch với một số quốc gia; Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công hỗ trợ phát triển kinh tế…
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước ước tính tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Việt Nam từ 2,5-3%.
Năm 2021, các tổ chức trong nước và quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới, từ 6,3 đến 11,2%. Theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ hồi phục trở lại, tuy nhiên, đà hồi phục có thể theo 2 kịch bản:
Kịch bản 1: Nếu dịch bệnh trong nước tiếp tục được kiểm soát, dịch bệnh trên thế giới được đẩy lùi, các hoạt động dịch vụ, thương mại hàng hóa sẽ nhanh chóng được khôi phục trở lại. Sự kết nối lại chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ do lợi thế về kiểm soát sớm dịch bệnh. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến có thể đạt 6,5-7,5%.
Kịch bản 2: Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2021; sự hồi phục chậm của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 5-6%.
Trên cơ sở các kịch bản dự kiến, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khôi phục và phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, duy trì thanh khoản hệ thống, bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch.
Bên cạnh đó, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tận dụng hiệu quả các cơ hội của hiệp định thương mại tự do…