Hải Phát Invest trước cơ hội “độc chiếm” Cienco 5
Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5) là một trong số loạt doanh nghiệp họ “Cienco” được Bộ Giao thông vận tải tiến hành cổ phần hóa năm 2014.
Trong đợt tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Cienco5 chào bán 14,2 triệu cổ phần (tương đương 32,38% vốn điều lệ) nhưng chỉ phát hành thành công hơn 1,9 triệu cổ phần cho 8 nhà đầu tư. Thương vụ có trị giá hơn 19,2 tỷ đồng.
Sau đợt IPO, tính đến ngày 30/9/2015, cổ đông Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại Cienco5 với tỷ lệ sở hữu là 63,18% vốn điều lệ. Số cổ phần tương đương với 31% vốn điều lệ của doanh nghiệp được chia đều cho 2 nhà đầu tư chiến lược là CTCP Đầu tư Nam Trí (Nam Trí) và CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương (Việt Phương). Số cổ phần còn lại do cổ đông khác nắm giữ.
Tới cuối năm 2015, Cienco5 tiếp tục đưa 10,18 triệu cổ phần (23,18% vốn điều lệ) bán đấu giá với mức giá khởi điểm 10.010 đồng/cổ phần.
Được biết, đợt chào bán cổ phần lần này của Cienco5 có phần sôi động hơn khi thu hút được 3 nhà đầu tư tham gia là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp. HCM (CII), CTCP Đầu tư Nam Trí và CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - Mã CK: HPX).
Kết quả, một nhà đầu tư đã trả giá 19.870 đồng/cổ phần (tương đương 202 tỷ đồng) để mua trọn lô 23,18% cổ phần của Cienco5. Những diễn biến sau đó cho thấy nhiều khả năng Hải Phát Invest là nhà đầu tư trúng đấu giá, còn tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước giảm xuống chỉ còn 40% vốn điều lệ.
Sau khi thâu tóm lượng lớn cổ phần tại Cienco5, nhóm nhà đầu tư Hải Phát Invest có phần nôn nóng trong việc kiểm soát tổng công ty này.
Bởi lẽ, theo truyền thông trong nước, ngay sau khi mới trúng đấu giá và chưa hoàn thành thủ tục để chính thức trở thành cổ đông của Cienco5, ngày 11/3/2016, nhóm Hải Phát Invest đã cùng các cổ đông khác thực hiện việc sửa đổi điều lệ, tăng số lượng thành viên HĐQT từ 5 lên 7 người; thay đổi tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông từ 75% xuống còn 51%; rồi loại bỏ loại bỏ quy định thời hạn 5 năm không được chuyển nhượng cổ phần của cổ đông chiến lược (ở lần sửa đổi ngày 4/4/2016).
Bên cạnh đó, ngày 28/4/2016, nhóm cổ đông tư nhân đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, bầu thêm 3 thành viên HĐQT là đại diện của các cổ đông này, chính thức kiểm soát HĐQT Cienco5.
Tuy nhiên, hành động trên của nhóm cổ đông Hải Phát bất thành do vi phạm Luật Doanh nghiệp, Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và cả điều lệ công ty. Mặt khác, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu “hoàn trả” tình trạng Cienco5 về trước thời điểm ngày 11/3/2016.
Chưa rõ việc “hoàn trả” được thực hiện ra sao, song, theo danh sách cổ đông chốt ngày 31/10/2019, Hải Phát Invest và công ty có liên quan là CTCP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô đã nắm giữ tổng cộng 54,18% vốn điều lệ của Cienco5. Nhóm nhà đầu tư chiến lược đã hoàn toàn được thay thế.
Cơ cấu sở hữu tại Cienco5 cuối tháng 10/2019 (Nguồn: SCIC) |
Việc nhà đầu tư chiến lược sớm chuyển nhượng cổ phần còn diễn ra ở nhiều “Cienco” khác. Thậm chí, có trường hợp nhà đầu tư chiến lược đã tiến hành chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn ở các "Cienco" dù cam kết sẽ nắm giữ lâu dài trước đó.
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã đăng ký bán đấu giá toàn bộ 17,56 triệu cổ phần của Cienco5 (tương đương 40% vốn điều lệ) mà đơn vị này đang nắm giữ. Mức giá khởi điểm là 19.300 đồng/cổ phần, được tính theo phương pháp tài sản và phương pháp tỷ số bình quân. Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức vào ngày 20/3/2020 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Trong số các nhà đầu tư tiềm năng, khi chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2018, doanh nghiệp của ông Đỗ Quý Hải (Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest) từng thể hiện rõ việc thâu tóm thêm cổ phần tại Cienco5.
Và với những “sự cố” từng gặp phải khi cố giành quyền kiểm soát Cienco5 trước đó, Hải Phát Invest hoàn toàn có thêm lý do tham gia phiên đấu giá, để tổng công ty này sớm “dứt tình” với cổ đông Nhà nước, trở thành doanh nghiệp 100% vốn tư nhân.
Theo tính toán của VietTimes, dựa trên mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra, Hải Phát Invest sẽ phải chi ra tối thiểu hơn 338,9 tỷ đồng nếu muốn ôm trọn cả lô cổ phần thành công.