Hàng hoá thông qua Cảng biển Việt Nam tăng trưởng ổn định

26/01/2021 06:30 GMT+7
Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam tăng trưởng ổn định trong nhiều năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm đạt 13,8%.

Năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với trung bình hàng năm, tăng 4% so với năm 2019. Trong đó khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2020 ước đạt 22,1 triệu, tăng 13% so với năm 2019.

Để có được sự tăng trưởng nêu trên, là sự nỗ lực của ngành Hàng hải, đặc biệt là đội tàu Việt Nam cơ bản đã đảm nhận được gần 100% khối lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như hàng hóa lỏng (LPG), ximăng rời.

Hàng hoá thông qua Cảng biển Việt Nam tăng trưởng ổn định - Ảnh 1.

Hàng hoá qua Cảng biển Việt Nam tăng trưởng ổn định.

Đối với loại hàng mà đội tàu Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu, Bộ đã cấp phép cho một số tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu doanh nghiệp Việt Nam được vận tải nội địa trong thời gian ngắn hạn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tàu chuyên dụng đáp ứng nhu cầu vận tải trong nước như khí hóa lỏng, ximăng rời, tàu dầu thô trọng tải lớn, Bộ GTVT đã yêu cầu doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đầu tư tàu Việt Nam để thay thế tàu nước ngoài, theo kế hoạch chỉ cấp phép cho tàu nước ngoài vận tải nội địa đến hết năm 2023.

Thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam ngày càng giảm, năm 2015 đội tàu Việt Nam đảm nhận 10% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu, đến năm 2020 thị phần giảm một nửa. Thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu do đội tàu biển nước ngoài cũng tăng lên tương ứng, đến nay đội tàu nước ngoài đã chiếm lĩnh 95% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nhật, do chiếm lĩnh thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, các hãng tàu thu rất nhiều loại phụ thu ngoài giá cước (phụ phí) đối với chủ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam (như phụ phí mất cân đối container, phí hóa đơn, kẹp chì...), hiện tại các hãng tàu đang thu khoảng 10 loại phụ phí khác nhau.

Dẫn chứng theo phản ánh của một số hiệp hội và chủ hàng, từ cuối tháng 10/2020, một số hãng tàu như Wan Hai Lines Ltd., Heung A Line, Interasia, Yaming Shipping Vietnam, Sinokor (Vietnam), Cosco Shipping Lines,… đã đồng loạt yêu cầu tăng phụ phí Rate Retoration (RR) đối với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam, mức tăng từ 50-200 USD/container đồng thời tại một số tuyến Việt Nam đi châu Mỹ, châu Âu, giá cước vận tải tăng rất cao, có tuyến giá cước tăng lên gấp 2 - 3 lần.

"Việc các hãng tàu liên tục tăng các loại phụ phí và tăng giá cước trong thời gian dịch Covid -19 đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, làm tăng chi phí vận tải", Thứ trưởng Nhật cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết thêm, do tập quán doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thường sử dụng hình thức mua, bán giao, nhận hàng tại cầu cảng Việt Nam nên quyền thuê phương tiện do đối tác nước ngoài đảm nhận, các chủ hàng Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài và buộc phải trả các loại phụ phí do hãng tàu đưa ra.


Thế Anh
Cùng chuyên mục