Hàng không Việt khó rơi vào tình cảnh của Thai Airways
Theo Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, ông Uttama Savanayana, nộp đơn bảo hộ phá sản đang được đưa ra như một giải pháp được xem xét nhằm tái cấu trúc hãng hàng không quốc gia Thái Lan. Nhiều năm kinh doanh khó khăn cùng sự bùng phát của dịch Covid-19 là giọt nước tràn ly đánh gục Thai Airways.
Theo hồ sơ của Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan, THAI đã lỗ ròng 2,11 tỷ baht (gần 66 triệu USD) trong năm 2017, tăng vọt lên 11,6 tỷ baht (361 triệu USD) trong năm 2018 và 12 tỷ baht (374 triệu USD) năm ngoái.
Sự gục ngã của gã khổng lồ trong khu vực là minh chứng cho tác động ở mức khủng hoảng của dịch Covid-19 tới ngành hàng không và là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp hàng không Việt đang cần hỗ trợ để vượt dịch.
Đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Để vượt qua được giai đoạn căng thẳng nhất của dịch Covid-19, các hãng bay đã phải đồng loạt cắt giảm tối đa chi phí, gần như bước vào trạng thái "ngủ đông" trong nửa đầu tháng 4, tuy nhiên khó tránh khỏi thua lỗ.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I của Vietnam Airlines, hãng ghi nhận lỗ 2.600 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của Vietnam Airlines và nhiều hơn lợi nhuận ròng 2.500 tỷ đồng của cả năm 2019.
Trong khi đó, Vietjet Air cũng ghi nhận mức lỗ 989 tỷ đồng trong quý I. Đây là lần đầu tiên hãng ghi nhận lỗ trong quý kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Lãnh đạo Bamboo Airways cũng ước tính thiệt hại của hãng vì Covid-19 lên tới 4.455 tỷ đồng.
Với người lao động, các hãng hàng không Việt đều phải đưa ra phương án riêng như Vietnam Airlines cho ngừng việc 50% lao động, Vietjet Air đề nghị cắt giảm thu nhập hay Bamboo Airways đàm phán chậm lương hai tháng với nhiều vị trí.
Các hãng bay Việt cũng buộc phải sử dụng máy bay chở khách để chuyển sang chở hàng như một phương án sinh tồn trong dịch. Vietjet Air cho biết hãng đã phải thỏa thuận với các đối tác cho vay về việc giãn các khoản phải trả từ 3-12 tháng.
Chia sẻ với PV, các hãng hàng không lớn cho hay vẫn đang chờ đợi những hỗ trợ về chính sách và tài chính từ Chính phủ để nhanh chóng phục hồi sau dịch khi thị trường đang cho thấy dấu hiệu tích cực. Số liệu từ Flightradar24 cho thấy số chuyến bay trên trục TP.HCM - Hà Nội vào đầu tháng 5 đã lên con số 754 chuyến/tuần, dần phục hồi để hướng về mức 1.000 chuyến/tuần vào cuối năm 2019.
Hiện hãng hàng không Việt duy nhất đã trực tiếp đề xuất hỗ trợ tài chính từ Chính phủ là Vietnam Airlines. Để bổ sung dòng tiền nhằm vượt qua khủng hoảng Covid-19, hãng hàng không quốc gia đã đề nghị Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.
Chính sách hỗ trợ thiết thực vẫn vắng bóng
Ngay từ khi dịch Covid-19 vừa bùng phát tại Việt Nam, hàng loạt các biện pháp hỗ trợ đã được đề xuất, bao gồm miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 70% giá đối với các khoản phí cất, hạ cánh, phí phục vụ hàng không, phí điều hành bay tại các cảng hàng không, tạm hoãn nộp các loại thuế (thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, bảo vệ môi trường…) đến hết năm 2020 hay ban hành gói vay với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia hàng không, biện pháp đã có, nhưng công tác hỗ trợ đang không theo kịp thực tế khi các hãng hàng không đã gồng mình chịu lỗ 3 tháng vì dịch. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM nhận định để giúp các hãng hàng không trong nước lấy lại phong độ, Chính phủ cần có biện pháp mạnh để hỗ trợ.
“Các hãng hàng không đang phải gánh chịu nhiều khoản thuế, phí. Giá dịch vụ và thuế cao khiến giá vé bị đội lên, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính phủ cần sớm có giải pháp mạnh để hỗ trợ hãng bay”, ông Tống nói.
Tuy nhiên, để thực sự kích cầu dịch vụ hàng không, giảm giá vé máy bay giúp hành khách dễ dàng tiếp cận hơn, giảm các loại thuế phí mà hãng bay đang thu hộ qua tổng giá vé máy bay là phương án được nhiều chuyên gia hàng không kiến nghị. Những loại phí này bao gồm phí phục vụ hay phí an toàn hàng không cho hành khách.
"Nếu Nhà nước cho phép miễn phí phục vụ thì vé máy bay có thể giảm được cho hành khách khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Hoặc nếu được miễn giảm thuế bảo vệ môi trường, hãng hàng không sẽ tiết kiệm được khoản chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đây là những khoản hỗ trợ rất hữu ích cho các hãng hàng không", TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho biết.
Trong đó, TS. Nam nhấn mạnh tới sự bất hợp lý của thuế bảo vệ môi trường mà mỗi hàng hàng không đang phải nộp tới vài nghìn tỷ đồng mỗi năm. Theo chuyên gia, thuế này hiện không áp theo tỷ lệ mà cố định ở mức "cao ngất" là 3.000 đồng/lít nên khi giá xăng dầu thế giới giảm xuống thì thuế môi trường không giảm tương ứng như ở các nước.
Với việc Việt Nam kiểm soát dịch tốt hơn Thái Lan, thị trường hàng không nội địa sẽ là phao cứu sinh cho các hãng hàng không Việt tránh rơi vào cảnh tương tự như Thai Airways. Tuy nhiên, để thị trường phục hồi như trước dịch vào năm 2021, theo nhận định của lãnh đạo Cục Hàng không, giảm nhẹ gánh nặng thuế phí là yếu tố quan trọng.
Cục Hàng không cùng Bộ GTVT đang tiếp tục kiến nghị các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành có các gói giảm giá, giãn giá, thậm chí là miễn giá hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khôi phục. Tuy nhiên vẫn chưa có giải pháp nào thực sự đi vào hiệu lực.