Hàng nghìn tỷ “đổ” về, các “đại gia buôn sữa" chi mạnh cho quảng cáo, khuyến mại
Đại dịch Covid-19 bùng phát trong nửa đầu năm 2020 đã có những tác động không tích cực tới kết quả kinh doanh của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành sữa lại là một trong số ít ngành không bị tác động bởi Covid-19. Điều này được thể hiện qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sữa trong nửa đầu năm nay.
Bất chấp dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành sữa lãi lớn
Theo báo cáo tài chính quý II/2020 vừa được công bố của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã CK: VNM), doanh thu thuần trong quý vừa qua của "ông lớn" ngành sữa này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 9,5% so với quý I/2020 và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế đạt 3.084 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất kể từ quý I/2016 của Vinamilk.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinamilk đạt gần 30.000 tỷ đồng doanh thu thuần, bình quân mỗi ngày thu về gần 165 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu nửa đầu năm nay tăng trưởng 6,7%. Khấu trừ chi phí, Vinamilk báo lãi 5.861 tỷ đồng, tăng 2,8%, tương đương 55% kế hoạch năm.
Về với Vinamilk, GTNFoods và Mộc Châu Milk (Sữa Mộc Châu) cũng ghi nhận tăng trưởng đột biến trong quý II/2020. Trong đó, Sữa Mộc Châu báo lãi 59,2 tỷ đồng, tăng 46,2% so với cùng kỳ.
Sau nửa năm, Sữa Mộc Châu đạt 1.369 tỷ doanh thu, tăng trưởng 7,6% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 106 tỷ đồng (tương ứng tăng 41%).
Theo Sữa Mộc Châu, lợi nhuận trong kỳ tăng mạnh chủ yếu do Công ty áp dụng các biện pháp tái cơ cấu hệ thống bán hàng, đáng giá và thay đổi các chính sách với nhà phân phối, giá bán sản phẩm cũng như tối ưu các chi phí bán hàng, quản lý.
CTCP GTNfoods (mã chứng khoán: GTN) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với doanh thu đạt 735 tỷ đồng - giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty vẫn lãi hơn gấp đôi cùng kỳ, đạt trên 48 tỷ đồng. Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ GTN tăng gấp 6 lần cùng kỳ, đạt 23,6 tỷ đồng.
Lợi nhuận tăng lên là nhờ GTNfoods nhận toàn bộ cổ tức từ Vilico, đồng thời lợi nhuận của công ty con gián tiếp Mộc Châu Milk đều tăng lên. Riêng tại Mộc Châu Milk, Ban điều hành chủ trương tập trung vào mảng cốt lõi kinh doanh sữa, thay đổi các chính sách quản lý doanh nghiệp, đưa ra những định hướng phù hợp để đạt mức tăng trưởng tốt nhất.
Lũy kế 6 tháng, GTNfoods đạt 1.368 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ 5% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 112% lên 88 tỷ đồng. Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ GTN đạt 39 tỷ đồng, gấp 6,7 lần cùng kỳ.
Trước đó, Sữa Quốc tế (IDP) cũng bất ngờ "lột xác" trước khi về tay chủ mới với kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2020.
Theo đó, Sữa Quốc tế ghi nhận doanh thu 1.114,5 tỷ, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ và lãi ròng 114 tỷ đồng trong quý II.
Đáng chú ý, biên lãi gộp của IDP vọt lên mức 36% - ngang ngửa với tỷ suất lợi nhuận của những doanh nghiệp hàng đầu của ngành FMCG như Masan Consumer, Vinasoy.
Lũy kế nửa đầu năm, Sữa Quốc tế đạt doanh thu 1.905,5 tỷ, tăng 117% và lợi nhuận sau thuế đạt 150,5 tỷ, tăng 146% so với nửa đầu năm ngoái.
Dòng tiền kinh doanh cải thiện
Tại Vinamilk, kết quả kinh doanh khả quan trong dịch Covid-19 còn giúp lượng của Vinamilk tăng mạnh.
Tính đến ngày 30/6/2020, lượng tiền và tương đương tiền cùng các khoản tiền gửi ngân hàng của Vinamilk đạt mức 18.539,3 tỷ đồng, tăng 3.439 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 37,4% tổng tài sản.
Còn tại Mộc Châu Milk, kết quả kinh doanh cải thiện, dòng tiền cũng có dấu hiệu cải thiện trong 6 tháng đầu năm 2020. Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính dương tới 202,4 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ dương 37,9 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ doanh nghiệp còn thực hiện chia trả cổ tức cho cổ đông 134,3 tỷ đồng.
GTNfoods dòng tiền kinh doanh cũng chuyển từ trạng thái âm 80 tỷ sang dương 199 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020.
Chi mạnh cho quảng cáo, khuyến mại
Tham gia cuộc chơi truyền thông với các "đại gia", trong kỳ IDP chi mạnh cho chi phí bán hàng (tăng từ 104 tỷ lên 279 tỷ đồng), chi phí quản lý cũng tăng... Với chi phí khuyến mãi tăng 45% lên hơn 129 tỷ, đặc biệt chi phí quảng cáo đột biến 350% lên 274 tỷ đồng.
Với "ông lớn" Vinamilk, chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường giảm 33% trong kỳ. Đổi lại, chi phí dịch vụ khuyến mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng tăng thêm gần 600 tỷ đồng, lên 4.663 tỷ đồng.
Tương tự, chi phí hỗ trợ, quảng cáo và khuyến mại tại GTNfoods tăng từ 104 tỷ đồng lên 228 tỷ đồng.