Người Mỹ "xa lánh" hàng Made in China sau đại dịch Covid-19

20/05/2020 14:26 GMT+7
Đại dịch Covid-19 bùng phát đang thúc đẩy sự phân cực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi người tiêu dùng Mỹ tỏ ra ngờ vực sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc.
Người tiêu dùng Mỹ "xa lánh" hàng Made in China sau đại dịch - Ảnh 1.

Sự ngờ vực của người tiêu dùng Mỹ với sản phẩm Trung Quốc được thúc đẩy bởi những phát ngôn của các quan chức cấp cao Mỹ

Một cuộc khảo sát mà Deutsche Bank thực hiện mới đây chỉ ra 41% người Mỹ sẽ không sử dụng sản phẩm gắn mác Made in China. Tương tự, 35% người Trung Quốc cũng cho biết họ tránh mua các sản phẩm dán nhãn Made in USD.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra chủ nghĩa dân tộc được đẩy mạnh sau cuộc thương chiến Mỹ Trung hồi năm ngoái và làn sóng chỉ trích lẫn nhau trong đại dịch Covid-19 năm nay đang khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phân cực nhanh hơn.

Một cuộc khảo sát người tiêu dùng Mỹ do công ty nghiên cứu FTI Consulting có trụ sở tại Washington thực hiện chỉ ra 78% người Mỹ được hỏi cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm nếu các công ty dịch chuyển sản xuất khỏi thị trường Trung Quốc. 55% số người được hỏi không tin tưởng Trung Quốc thực hiện đầy đủ các cam kết tăng cường mua hàng hóa của Mỹ trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký kết hồi đầu năm.

Sự ngờ vực của người tiêu dùng Mỹ với sản phẩm Trung Quốc được thúc đẩy bởi những phát ngôn của các quan chức cấp cao Mỹ, mà dẫn đầu là Tổng thống Donald Trump - người cáo buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho sự bùng phát đại dịch Covid-19. Đại dịch hiện lây lan ra khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Mỹ là ổ dịch lớn nhất với 1,5 triệu ca nhiễm và hơn 91.000 ca tử vong. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới sắp diễn ra vào tháng 11/2020, và Trump cần làm mọi thứ để tạo vị thế thuận lợi cho chiến dịch tái tranh cử của mình. Trump buộc phải nhắm vào trách nhiệm của Trung Quốc trong vụ dịch để làm mờ đi những thiệt hại kinh tế cũng như phản ứng với dịch bệnh của chính quyền Mỹ.

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 và hòa chung vào làn sóng toàn cầu hóa, thương mại đa phương; Trung Quốc đã nổi lên như công xưởng sản xuất của thế giới với lực lượng lao động dồi dào, nhân công giá rẻ, năng lực sản xuất mạnh mẽ. Nhanh chóng vượt mặt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quốc gia Đông Á trở thành điểm đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp toàn cầu muốn hưởng lợi từ chuỗi sản xuất chi phí thấp.

Nhưng chi phí sản xuất dần tăng lên và cuộc chiến tranh thương mại kéo dài 2 năm với Mỹ đã bắt đầu làm xói mòn vị thế của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều công ty rục rịch chuyển nhà máy sang các thị trường khác do quan ngại về thuế quan trừng phạt của Trump. Ngay sau đó, đại dịch Covid-19 kéo đến phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu khiến mối quan ngại này trở nên sâu sắc hơn khi các chính phủ nhận ra sự phụ thuộc quá mức vào thị trường sản xuất tại Trung Quốc, nhất là với các sản phẩm công nghệ, thiết bị y tế, dược phẩm quan trọng. Không khó hiểu khi Mỹ và Nhật Bản - hai trong số ba nền kinh tế lớn nhất thế giới đều kêu gọi doanh nghiệp rời thị trường Trung Quốc trở về nước bằng những gói hỗ trợ khổng lồ hàng tỷ USD.

“Doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực từ cổ đông, cơ quan quản lý và chính phủ trong việc di chuyển chuỗi cung ứng về thị trường nội địa để tránh rủi ro phụ thuộc quá mức vào một thị trường, tránh những cú sốc tương tự trong tương lai” - nhà phân tích Apjit Walia từ Deutsche Bank cho hay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục