Khẩu hiệu "Coronavirus made in China" trên sản phẩm của Amazon gây phẫn nộ

22/02/2020 08:02 GMT+7
Amazon đang phải hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ mạng xã hội khi một số sản phẩm được bày bán có khẩu hiệu "Coronavirus made in China" (virus corona được sản xuất tại Trung Quốc).
Khẩu hiệu "Coronavirus made in China" trên sản phẩm của Amazon gây phẫn nộ - Ảnh 1.

Chiếc áo có khẩu hiệu phản cảm.

Những ngày qua, hàng triệu người tiêu dùng Trung Quốc bày tỏ sự tức giận khi trên nhiều sản phảm bày bán tại sàn thương mại điện tử lớn nhất của Mỹ có khẩu hiệu trên. Những người này đã kêu gọi tẩy chay đồng thời yêu cầu Amazon xin lỗi vì việc này.

Tối 20/2, trên sàn điện tử này, một người bán hàng tên Amerihut đã liệt kê các mặt hàng, bao gồm áo phông, áo hoodie và cốc cà phê, với nhiều màu sắc khác nhau đi kèm khẩu hiệu "Coronavirus made in China''. Sau đó một ngày, những sản phẩm này bất ngờ biến mất trên Amazon.

Trong khi Trung Quốc đang phải đối mặt với dịch bệnh do virus corona gây ra với hơn 2.000 thiệt mạng và hơn 75.000 nhiễm bệnh thì sự xuất hiện những khẩu hiệu này được cho là phản cảm.

Khẩu hiệu "Coronavirus made in China" trên sản phẩm của Amazon gây phẫn nộ - Ảnh 2.

Các sản phẩm được bán trên Amazon có khẩu hiệu "Viruscorona made in China" gây ra sự phẫn nộ.

"Amazon phải xin lỗi vì sự kỳ thị này. Không có chuyện chỉ gỡ bỏ các sản phẩm và coi như không có gì xảy ra được", một người có nick Fengping đã viết trên Weibo – phiên bản Twitter của Trung Quốc.

Khi phóng viên Thời báo Hoàn cầu liên hệ tới Công ty Amazon ở Mỹ, một nhân viên bán hàng đã thốt lên đến bốn lần: "Đây là một sự xúc phạm. Nếu những mặt hàng này được tìm thấy trên Amazon, chúng cần được gỡ xuống".

Chủ đề "Amazon xúc phạm Trung Quốc" có tới gần 1,6 triệu lượt xem trên Weibo cho đến tối ngày 21/2.

Hiện Amazon đã không đưa ra bình luận nào trước vụ việc này.

"Ông trùm" Amazon cũng từng phải đối mặt với làn sóng dư luận ở Trung Quốc sau khi đăng bán những chiếc áo phông in khẩu hiệu "Free HongKong, democracy now" (tạm dịch: Hồng Kông tự do, dân chủ). Những hình ảnh và khẩu hiệu in trên áo phông đều hướng tới việc ủng hộ phong trào biểu tình và ly khai ở Hồng Kông.

Trước đó, hồi tháng 7/2019 Amazon đã rút khỏi thị trường Trung Quốc sau 15 hoạt động tại thị trường đông dân nhất thế giới này.

Amazon tham gia vào thị trường Trung Quốc từ năm 2004 thông qua việc thâu tóm Joyo, một nền tảng mua sắm trực tuyến nội địa. Joyo được thay đổi thành Amazon China vào năm 2011.

Trong những ngày đầu tiên, Amazon rất thành công với việc chiếm hơn 15% thị phần trong năm 2011-2012, nhà phân tích Choi Chun của iResearch, một công ty nghiên cứu tại Trung Quốc, cho biết. Nhưng những năm gần đây, thị phần đã giảm xuống dưới 1%, số liệu dựa theo công ty nghiên cứu thị trường tại Trung Quốc, Analysys.

An Vũ (Thời báo Hoàn cầu/CNBC)
Cùng chuyên mục