Hành trình tạo lập "đế chế" nông nghiệp của ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng

10/09/2020 16:01 GMT+7
Ông Nguyễn Duy Hưng được biết đến là nhà sáng lập và điều hành Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Tuy mới rẽ sang lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2013, nhưng The PAN Group do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch đã thể hiện rõ tham vọng vươn lên dẫn đầu ngành nông nghiệp thực phẩm.

Chân dung "ông trùm" chứng khoán Nguyễn Duy Hưng đầu tư vào nông nghiệp

Tính theo thị phần và giá trị thị trường, SSI hiện là công ty môi giới lớn nhất Việt Nam.

Thông qua M&A, ông Hưng cũng đã xây dựng nên Pan Group, một tập đoàn đang nắm giữ các công ty nông nghiệp tăng trưởng của Việt Nam.

Từ một khởi đầu thấp, dịch vụ tài chính (bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, môi giới đầu tư và chứng khoán) đã tăng trưởng nhanh tại Việt Nam. Là một trong ba công ty môi giới đầu tiên của Việt Nam, SSI được thành lập năm 1999 với số vốn đăng ký 420.000 USD.

Hành trình tạo lập "đế chế" nông nghiệp của ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chủ tịch HĐQT The Pan Group (PAN)

Ông Nguyễn Duy Hưng, anh cả trong một gia đình có bốn anh chị em, đã giành được học bổng du học tại Đông Đức vào năm 1980. Trong thời gian sống và học tập tại Đông Đức, ông Hưng đặc biệt quan tâm đến việc mua bán hàng hóa giữa Đông Đức và Việt Nam.

Một mùa hè, ông Hưng mang theo một vali đầy giấy ảnh về Việt Nam. Thế nhưng những sản phẩm này không được thông quan.

Cũng vì vali giấy ảnh đó mà Nguyễn Duy Hưng đã bị xử lý kỷ luật và không thể hoàn thành chương trình học ở nước ngoài của mình.

Không vấn đề! Với bằng đại học trong nước, ông bắt đầu kết nối các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua một doanh nghiệp mà ông gọi là Pan Pacific.

Và khi thị trường vốn Việt Nam mở cửa, ông Hưng đã nhạy bén thành lập SSI vào năm 1999.

Tuy nhiên, ở tuổi gần 60, ông Nguyễn Duy Hưng chưa bằng lòng với việc chỉ là một trung gian đầu tư.

Cách đây 7 năm, ông Nguyễn Duy Hưng bắt đầu đẩy mạnh phần còn lại của Pan Pacific để tạo ra một vòng tròn trong nông nghiệp mà ông gọi là "Farm - Food - Family".

Hành trình tạo lập "đế chế" nông nghiệp của ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng - Ảnh 2.

Hoạt động sản xuất của thành viên Pan Group

Với tên gọi mới là Pan Group, công ty đã huy động được gần 100 triệu USD và nắm giữ phần lớn cổ phần trong số 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp hạt giống hoặc sản xuất nông sản. Các sản phẩm khá đa dạng, từ gạo, hạt điều đến hải sản và hoa.

Hơn 40% lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay vẫn hoạt động trong nông nghiệp. Phần lớn sản lượng xuất phát từ các nông dân riêng lẻ chứ không phải là các doanh nghiệp có tổ chức, có quy mô lớn.

Trong vài năm qua, Tập đoàn CP của Thái Lan đã đầu tư vào Việt Nam và trở thành công ty có thị phần lớn nhất trong thị trường thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam.

Các doanh nhân Việt Nam nhìn thấy cơ hội ở đây, đặc biệt là với các ưu đãi của chính phủ dưới hình thức lãi suất cho vay.

Nhưng, muốn mở rộng quy mô đòi hỏi phải có quỹ đất. Ông Hưng đã nhìn thấy một cơ hội để tập hợp các công ty nhỏ thành một hệ sinh thái nông nghiệp.

 PAN Group bắt tay tập đoàn Sojitz đưa hạt điều sang Nhật

Sau 3 - 4 năm huy động vốn và xây dựng, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng The PAN Group đã có đủ cơ sở để phát triển mô hình Farm - Food - Family.

Trong đó mảng Farm với nền tảng là Vinaseed, VFC, PAN Hulic. Mảng Food với hạt nhân là Bibica, một thương hiệu bánh kẹo nội địa. Ông cho biết, hiện nay The PAN Group đã đạt được thỏa thuận với Lotte nhận chuyển nhượng lại 100% cổ phần. 

Do COVID-19 mà giao dịch này phải lùi lại, nhưng dự kiến sẽ hoàn thành thời gian tới. Sau khi hoàn tất mua lại Bibica, công ty sẽ cho sáp nhật PAN Food và Bibica làm một.

Trong năm vừa rồi, công ty cho ra đời PAN Phân phối (PAN CG) và lập tức có lãi.

"Đầu tư vào nông nghiệp không có công thức chung nào cho quản trị rủi ro cả, vì khả năng của mỗi người là khác nhau. Đầu tư vào nông nghiệp thành công, yếu tố quan trọng không phải là "đại gia" hay "tiểu gia" mà là tổ chức mọi người lại, cùng hợp lực và lấy thị trường làm gốc mới phát triển được.

Nếu có tiền, doanh nghiệp Việt hãy đầu tư vào những doanh nghiệp có sẵn, tái cấu trúc lại nó. Đây là cách là PAN đang làm. Ở PAN, để thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi kết hợp các yếu tố là nguồn lực con người, tiền bạc, mối quan hệ…

Quan điểm của tôi khi đầu tư vào nông nghiệp không phải để làm thay những người nông dân, những người làm nông nghiệp lâu năm. Vì tôi không có kinh nghiệm như họ trong việc chọn giống, phân bón, thời tiết…

Công việc của tôi là kết hợp giữa nhà tài chính, nhà khoa học, nhà nông nghiệp và nông dân. PAN thành công vì đã chắp nối được những người đó với nhau"

- Ông Nguyễn Duy Hưng

Trong sản xuất nông sản xuất khẩu, Lafooco từ lỗ rất nặng đến nay đã có lợi nhuận đáng kể. Công ty này đã dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh nhân điều sang kinh doanh giá trị gia tăng, đơn đặt hàng ngày càng nhiều nhưng hạn chế là qui mô không lớn.

Thời gian gần đây, The PAN Group bắt tay tập đoàn Sojitz đưa hạt điều sang Nhật. Trong tương lai, Lafooco có thể mở rộng sang xuất khẩu hoa quả sấy, và cà phê với SHIN.

Các thành viên khác trong hệ sinh thái The PAN Group như CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (ABT) muốn tăng cường áp dụng công nghệ vào sản xuất, hay Nước mắm 584 sẽ xây nhà máy vào cuối tháng này… cũng được Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng tiết lộ.

Ông Hưng nói nhiều về tiềm năng xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản - sân nhà của cổ đông chiến lược Sojitz; nhưng vấn đề là làm sao có thể tổ chức nguồn nguyên liệu có thể truy dẫn được. Fimex - thành viên chuyên sản xuất tôm của The PAN Group đang có kế hoạch lập công ty xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật và bán nội địa.

Nói về ngành tôm, năm vừa rồi và cả năm nay toàn thị trường gặp khó khăn nhưng theo ông Hưng Fimex có cơ hội để vươn lên. Fimex tập trung vào thị trường đắt tiền vốn ít bị ảnh hưởng hơn, năm nay công ty vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 7% và ban lãnh đạo công ty này hoàn toàn tự tin có thể đặt được.

Trong ba năm tới, Fimex có ý tưởng hướng đến cạnh tranh tại thị trường Mỹ, hiện nay công ty tập trung chủ yếu tại Châu Âu và Nhật Bản.

"Khó khăn nhất là đầu tư vào nông nghiệp, chậm nhất cũng là đầu tư vào nông nghiệp"

Khi được hỏi về việc tại sao The PAN Group huy động vốn nhiều mà kết quả kinh doanh vẫn chưa cải thiện, ông Hưng nói rằng: "Khó khăn nhất là đầu tư vào nông nghiệp, chậm nhất cũng là đầu tư vào nông nghiệp. Một năm với công ty nông nghiệp trôi qua rất nhanh, thậm chí được một vụ mất một vụ".

Nhưng Chủ tịch The PAN Group lưu ý phải nhìn vào những gì mà công ty đã đạt được, vị trí số một ngành giống, sở hữu gần 50% công ty cung cấp vật tư nông nghiệp top đầu phía Nam.

Ông Hưng nói rằng để một doanh nghiệp khác muốn sở hữu một nền tảng như vậy sẽ phải mất rất nhiều tiền. Vấn đề là làm sao tận dụng được lợi thế hiện có để đem về hiệu quả kinh doanh, mang lại cổ tức cho cổ đông.

Nhận định về triển vọng kinh doanh trong nửa cuối năm 2020 vẫn là khó khăn, nhất là với ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng vẫn nghĩ rằng The PAN Group sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Một phần do việc xây dựng chỉ tiêu đã chặt chẽ hơn.

Đầu tháng 9 vừa qua, công ty đã công bố phương án chào mua công khai hơn 4,8 triệu cổ phiếu CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG) nhằm nâng sở hữu và đầu tư dài hạn. Nếu giao dịch thành công, PAN Group sẽ trở thành công ty mẹ, sở hữu hơn 18 triệu cổ phiếu VFG, tương đương 56,25% vốn điều lệ.

Nguồn vốn thực hiện lấy từ vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác. Việc chào mua được thực hiện sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công ty công bố thông tin theo quy định.

Được biết, PAN Group lần đầu rót vốn vào VFG là năm 2017 khi chào mua công khai 20% vốn với giá bình quân 38.500 đồng/cổ phiếu.

Đến năm 2019, PAN nâng sở hữu tại VFG lên hơn 41% vốn, tương đương nắm giữ hơn 13,2 triệu cổ phiếu VFG.

Về hoạt động doanh nghiệp, tập đoàn đã đề ra kế hoạch doanh thu thuần năm 2020 tăng nhẹ 1% lên 7.918 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 305 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, PAN cũng dự kiến mức chi trả cổ tức bằng tiền năm 2020 khoảng 5 - 10%. Tỷ lệ và thời gian thực hiện cụ thể sẽ do HĐQT căn cứ tình hình thực tế quyết định.



An Vũ
Cùng chuyên mục