Heo vào chu kỳ tăng giá: Nhiều ông lớn báo lãi đậm, cổ phiếu toả sáng

13/05/2024 19:31 GMT+7
Giá heo hơi liên tục tăng trong thời gian qua cộng với kết quả kinh doanh khả quan của các ông lớn ngành chăn nuôi là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu ngành chăn nuôi toả sáng và được nhiều nhà đầu tư săn đón.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/5, VN-Index giảm 4,52 điểm còn 1.240 điểm. Dòng tiền sụt giảm với giá trị khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt hơn 19.000 tỷ đồng.

Xét về nhóm ngành, nhóm nông lâm ngư tăng tốt nhất thị trường, nổi bật nhất là các mã cổ phiếu BAF, DBC và HAG. Cả ba mã này đều thuộc top 10 về thanh khoản và đã có bước đột phá về giá cả.

BAF đã tăng mạnh với tỷ lệ tăng 7%, kết thúc phiên giao dịch tại mức giá trần 29.850 đồng/cổ phiếu và đạt thanh khoản cao kỷ lục, với 13,75 triệu đơn vị giao dịch. HAG cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng 3,8% lên 13.700 đồng/cổ phiếu, và mặc dù khối lượng giao dịch không nhiều nhưng vẫn đáng kể, gần 21,3 triệu đơn vị. DBC cũng không kém cạnh khi tăng 1,6% lên 31.200 đồng/cổ phiếu.

Giá heo hơi liên tục tăng 

Giá heo hơi duy trì đà tăng từ cuối tuần trước, nâng mức bình quân cả nước lên 63.500 đồng/kg. Giá heo hơi hôm nay 13/5/2024 tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, nhiều địa phương đã có giá 65.000 đồng/kg.

Heo vào chu kỳ tăng giá: Nhiều ông lớn báo lãi đậm, cổ phiếu toả sáng- Ảnh 1.

Giá heo hơi duy trì đà tăng từ cuối tuần trước, nâng mức bình quân cả nước lên 63.500 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi tăng nhẹ, dao động quanh mức 64.000 - 65.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại khu vực này, giá heo hơi hôm nay tăng nhẹ và dao động trong khoảng 62.000 - 64.000 đồng/kg. Còn tại khu vực miền Nam, giá heo hơi tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg trên diện rộng và dao động trong khoảng 62.000 - 64.000 đồng/kg.

Theo Báo cáo của Bộ NNPTNT cho hay, giá heo hơi bình quân tại khu vực miền trong tháng 4/2024 tăng từ 2.500-5.000 đồng/kg so với tháng trước đó, dao động trong khoảng 56.000-61.000 đồng/kg tại Nam Định và Hưng Yên.

Cũng theo số liệu từ Bộ NNPTNT, giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi quý I/2024 giảm 12 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan này nhận định trong thời gian tới do nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá giảm nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm, tuy nhiên khó quay trở lại mức giá thời điểm trước dịch Covid-19. Giá lợn hơi tăng cao trong khi giá thức ăn giảm giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi được cải thiện.

Theo dự báo của các chuyên gia, giá heo hơi có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn và sau đó sẽ dừng lại do vào các tháng hè khi thời tiết nắng nóng, sức tiêu thụ của người dân giảm đi.

BAF, DBC lãi đậm nhờ giá heo hơi

Giá heo hơi tăng liên tục đã giúp các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi như BAF và DBC ghi nhận lợi nhuận cải thiện mạnh mẽ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, không phải tất cả đều may mắn như vậy. Các doanh nghiệp như VSN, MML và HAG lại không đạt được kết quả khả quan trong quý vừa qua.

Kết thúc quý I/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) ghi nhận doanh thu thuần quý I của DBC tăng 41% so với cùng kỳ, đạt 3.253 tỷ đồng.

Heo vào chu kỳ tăng giá: Nhiều ông lớn báo lãi đậm, cổ phiếu toả sáng- Ảnh 2.

Giá vốn chỉ tăng ở mức 22%, giúp DBC thoát khỏi cảnh kinh doanh dưới giá vốn như cùng kỳ, đạt lãi gộp 349 tỷ đồng. Kết quả, DBC báo lãi sau thuế 73 tỷ đồng, trong khi cùng kỹ lỗ nặng tới 321 tỷ đồng.

Theo giải trình của DBC, doanh nghiệp cho biết kết quả khả quan trong quý I đạt được nhờ hưởng lợi nhờ giá một số nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm, đưa giá thành đi xuống. Bên cạnh đó, người chăn nuôi trong nước có nhu cầu tái đàn, nên sản lượng thức ăn tiêu thụ tăng, kéo kết quả đi lên.

Ngoài ra, giá lợn hơi tăng khá ổn định từ đầu năm, do nguồn cung giảm vì dịch bệnh, giúp kết quả DBC khởi sắc hơn. Giá lợn hơi trung bình cả nước tại ngày 2/5 là 61.800 đồng/kg, tăng 26% so với đầu năm.

Năm nay, Tập đoàn Dabaco đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 25.380 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023, và mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 730 tỷ đồng, cao gấp 29 lần so với năm 2023. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, tập đoàn này đã hoàn thành được 13% kế hoạch doanh thu và 10% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, trả lời câu hỏi của cổ đông về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh năm nay, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT DBC khẳng định: "Hoàn thành là chuyện bình thường, chưa kể những yếu tố có thể đóng góp thêm. Từ quý II tình hình kinh doanh sẽ rất tốt. Lợi nhuận quý 2 phấn đấu đạt khoảng 250 tỷ đồng".

Trong khi đó, với Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam, giá lợn tăng cao giúp doanh thu thuần của công ty này đạt mức 1.292 tỷ đồng, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu, doanh thu bán nông sản đạt 764,4 tỷ đồng, tăng 67% so với năm trước; doanh thu hoạt động chăn nuôi tăng 53% lên 525,4 tỷ đồng, có thêm khoản thu mới từ bán cám với 2,3 tỷ đồng.

Khép lại quý đầu năm, doanh nghiệp của ông Trương Sỹ Bá báo lãi sau thuế 118,6 tỷ đồng, gấp 30,4 lần so với cùng kỳ. Trong đó, lãi sau thuế công ty mẹ gần 120 tỷ đồng, gấp 37,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình về kết quả này, BAF cho biết do thị trường giá heo trong quý I đã có những phục hồi nhất định sau đợt giảm đáy vào quý IV/2023. Hiện giá heo vẫn đang trên đà phục hồi và dự kiến sẽ duy trì ở mức trên 60.000 đồng/kg.

Sản lượng heo của BAF trong quý I đạt hơn 100.000 con, trong đó riêng tháng 3 đạt hơn 53.000 con đánh dấu tháng có sản lượng cao nhất lịch sử Công ty. Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi giảm 10-20% so với trước, đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh của BAF.

Bầu Đức tiếc vì "không dám liều"

Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng cho kết quả kinh doanh khả quan khi giá heo hơi tăng. Cụ thể, Công ty Cổ phần Masan MeatLife (UPCoM: MML) trong quý I ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.719 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ nhờ mảng thịt ủ mát và mảng trang trại. Lợi nhuận gộp tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt 400 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ tăng trưởng 1 chữ số.

Tuy nhiên, các loại chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lại có xu hướng tăng so với cùng kỳ, lần lượt tăng ở mức 38% và 41%, tương ứng đạt 314 tỷ đồng và 82 tỷ đồng.

Kết quả, MML lỗ sau thuế 47 tỷ đồng trong quý I, cùng kỳ doanh nghiệp lỗ hơn 121 tỷ đồng. Mặc dù không đạt được lợi nhuận dương, nhưng điểm sáng là MML đã co hẹp các khoản lỗ qua mỗi quý kể từ quý II/2023 đến nay.

Theo giải trình, MML cho biết doanh nghiệp đã đẩy mạnh các chương trình quảng cáo khuyến mãi trong quý I để giúp doanh thu tăng trưởng, làm gia tăng chi phí trong quý I, dẫn đến khoản lỗ như nêu trên.

Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (UPCoM: VSN) ghi nhận doanh thu thuần quý I giảm 6,5% so với cùng kỳ, đạt hơn 837 tỷ đồng.

Giá vốn hàng bán giảm 5,7%, làm lợi nhuận gộp giảm 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 201 tỷ đồng. Doanh thu giảm, VSN đã thắt chặt chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý I, lần lượt giảm 8% và giảm 9% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 132 tỷ đồng và 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng gần 32%, đạt 5 tỷ đồng.

Kết thúc quý I, VSN báo lãi sau thuế giảm 17%, đạt gần 29 tỷ đồng. VSN cho biết, giá nguyên liệu chính, chủ yếu là giá lợn hơi đầu vào cao hơn so với cùng kỳ đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm so với cùng kỳ.

Được biết, bên cạnh việc bán thực phẩm tươi sống (chủ yếu là lợn), động lực kinh doanh của VSN còn đến từ các sản phẩm chế biến. Do đó việc giá lợn hơi tăng sẽ gia tăng chi phí đầu vào của mảng thực phẩm chế biến của doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả của VSN.

Một trong những doanh nghiệp có tiếng cũng tham gia vào mảng chăn nuôi lợn là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG). Trong quý I, HAG ghi nhận doanh thu giảm 27% xuống 1.241 tỷ đồng và lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên 498 tỷ đồng, lãi ròng 215 tỷ đồng (giảm 26%). Trong đó, mảng heo ghi nhận doanh thu giảm gần phân nửa và lợi nhuận gộp mang về chỉ 5 tỷ đồng.

Lý giải điều này, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG cho biết diễn biến giá heo đang tốt, nhưng do năm ngoái HAGL tạm dừng đầu tư mới mảng heo. Hiện, HAGL xây dựng kế hoạch 1.320 tỷ đồng là đang rất thận trọng bởi lập chỉ tiêu vào cuối năm ngoái, khi đó vẫn chưa tính đến lợi nhuận mảng heo. Lợi nhuận mảng heo dự kiến có từ quý IV và ăn trọn trong năm 2025 nếu giá bán vẫn tốt như hiện nay.

"Giá thành nếu nuôi công nghiệp khoảng 46.000-48.000 đồng/kg, rất tiếc HAGL không dám liều từ năm ngoái thì bây giờ đã hưởng trái ngọt", ông Đức nói. Vị Chủ tịch HAGL kỳ vọng 2025, doanh số heo có thể vượt qua mảng trái cây.

Mai Lan
Cùng chuyên mục