Hồ sơ chiếc Boeing bị bỏ quên ở Nội Bài 12 năm
Hãng hoạt động được 3 năm
Hãng hàng không Royal Khmer Airlines bắt đầu khai thác các chuyến bay thương mại năm 2004 nhưng đã ngừng hoạt động chỉ 3 năm sau đó.
Chiếc máy bay Boeing B727-200 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ bị bỏ rơi 12 năm ở Nội Bài từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines.
Theo Cambodia Daily, Royal Khmer Airlines là một hãng hàng không tư nhân nhỏ có trụ sở tại Phnom Penh, Campuchia. Hãng khai thác các chuyến bay thẳng giữa Campuchia, Việt Nam và Hàn Quốc.
Royal Khmer Airlines được thành lập vào năm 2000. Ban đầu, hãng dự định thực hiện các chuyến bay thương mại vào năm 2001 nhưng không thành.
Tháng 10/2003, Dịch vụ Máy bay Châu Á từ Malaysia đã chọn mua hãng hàng không và sử dụng giấy phép để hoạt động. Để phục vụ các chuyến bay, Royal Khmer Airlines mua một chiếc Boeing 737-200 cũ và đưa vào khai thác ngày 15/5/2004. Sau đó, hãng bắt đầu các hoạt động chở hành khách theo lịch trình.
Tuy nhiên, các dịch vụ của hãng hãng không Royal Khmer Airlines được cho là không đáng tin cậy. Vì thế, trong suốt năm 2005, hãng đã không hoạt động.
Ngày 7/2/2006, The Korea Times đưa tin Bộ Xây dựng và Vận tải Hàn Quốc đã đưa ra lời chỉ trích đối với hãng này do các biện pháp an toàn không đạt tiêu chuẩn.
Các vấn đề của hãng Royal Khmer Airlines bị đưa ra gồm lỗi đèn của hệ thống thoát hiểm khẩn cấp không hoạt động, sách hướng dẫn trên máy bay đã lỗi thời. Ngoài ra, máy bay của hãng cũng thiếu các biện pháp an toàn trong việc nạp nhiên liệu và xếp hành lý của hành khách.
Trong lịch trình chuyến bay của hãng được cập nhật lần cuối cùng năm 2006, Royal Khmer Airlines khai thác các chuyến bay quốc tế đến Hà Nội, TP.HCM, Seoul cùng với đường bay nội địa. Tuy nhiên, hãng bay này đã ngừng hoạt động vào năm 2007.
Được biết, tước khi bị bỏ lại Nội Bài, máy bay Boeing 727-200 được dùng để khai thác tuyến HAN - REP - HAN (Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội) từ ngày 5/3/2007. Do gặp sự cố, máy bay đã đỗ lại sân bay Nội Bại từ ngày 1/5/2007.
Chính phủ Campuchia từ chối lấy về
Theo Bộ GTVT, ngay tại thời điểm năm 2007, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã nhiều lần trao đổi với Royal Khmer Airlines về việc khắc phục sự cố và di dời máy bay. Tuy nhiên, Royal Khmer Airlines và các đối tác liên quan không thực hiện việc di chuyển bay cũng như không có bất kỳ liên hệ gì.
Vào tháng 12/2014, ông Keo Sivorn, Cục trưởng Cục Hàng không Campuchia (SSCA), cho biết vì Royal Khmer Airlines không còn đăng ký với SSCA nên chính phủ quốc gia này không có trách nhiệm đối với chiếc máy bay cũng như không có ý định lấy lại.
"Chiếc máy bay này đã không còn trong danh sách quản lý của chúng tôi kể từ khi công ty này ngừng hoạt động", ông Sivorn nói. "Một khi nó không còn trong danh sách thì trách nhiệm của chúng tôi cũng hoàn tất".
Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi và tàu bay B727-200 đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia từ ngày 13/10/2008.
Quan chức này thông tin Royal Khmer Airlines thuộc sở hữu của một doanh nhân Hàn Quốc tên là Song Dong-zu nhưng SSCA không biết nhiều về người này.
"Bây giờ, trách nhiệm của Việt Nam là tìm chủ sở hữu của chiếc máy bay hoặc có thể bán nó để lấy phế liệu, tùy vào quyết định của Việt Nam", ông nói thêm.
Từng là máy bay phản lực phổ biến nhất thế giới
Là một trong những dòng máy bay thương mại thành công của Boeing, mẫu B727 hiện ngừng sản xuất từ khá lâu. Vào những năm đầu ra mắt (1965-1967), một chiếc Boeing 727-200 có giá khoảng 4,2 triệu USD, nhưng đến năm 1982, mỗi chiếc loại này được bán ở mức giá tới 22 triệu USD.
Từng là một trong những loại máy bay phản lực phổ biến nhất thế giới, hơn 1.830 chiếc Boeing 727 đã được bán và là loại máy bay được mua nhiều nhất trong lịch sử cho đến năm 1990. Boeing 727-299 có chiều dài 46,7 m, sải cánh 33 m và có sức chứa 189 hành khách, 4 phi hành đoàn.
Đối với chiếc Boeing 727-200 bị bỏ quên ở sân bay Nội Bài, rất nhiều chuyên gia nhận định chiếc Boeing 727 nằm ở sân bay Nội Bài hơn 10 năm qua đến nay chỉ có giá trị như... sắt vụn. Cục Hàng không Việt Nam đưa ra 2 phương án để xử lý tàu bay này là đấu giá tàu bay hoặc giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Một chiếc Boeing 727-200 đã bay 59.000 giờ cùng thời với chiếc máy bay "bị bỏ quên" này cũng từng được rao bán trên Global Air vào năm 2016 với giá 1,29 triệu USD.
Máy bay hay sắt vụn?
Mới đây, trao đổi trên Dân Trí, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: Cục Hàng không đã thuê một đơn vị trong nước định giá tài sản với chiếc máy bay Boeing 727 theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
"Đơn vị định giá đã gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ hồ sơ, tài liệu về chiếc máy bay. Máy bay Boeing 727-200 sản xuất từ nhiều thập kỷ trước và hiện không còn được sử dụng phổ biến trên thế giới nữa nên không có chiếc cùng loại để so sánh. Sau khi kết thúc công việc, họ không thể đưa ra được mức giá chính xác của chiếc máy bay mà chỉ nói với chúng tôi về một con số ước tính không chính thức là 1,7 tỷ đồng." - ông Thắng thông tin.
Về khả năng thuê đơn vị định giá nước ngoài, ông Thắng cho biết Cục Hàng không không tính đến bởi chi phí bỏ ra thuê tư vấn có thể lớn hơn chi phí thu được từ đấu giá tài sản. Vì vậy, đến thời điểm này, Cục Hàng không Việt Nam vẫn không có cơ sở để đưa ra giá khởi điểm cho việc tổ chức bán đấu giá chiếc Boeing 727-200.
Một chuyên gia kinh tế hàng không chia sẻ: "Chiếc máy bay nếu bán được thì cũng chỉ có giá như sắt vụn". Thậm chí, nhiều người thậm chí còn "bông đùa" rằng: Nếu tính theo giá sắt vụn trên thị trường là 5.000 đồng/kg thì chiếc máy bay nặng 80 tấn sẽ bán được số tiền 400 triệu đồng.
Giờ đây, số phận của chiếc máy bay Boeing 727 "vang bóng một thời" đang hẩm hiu như chính hình hài cũ nát của nó sau 12 năm "phơi mưa, phơi nắng" ở Nội Bài.