Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long bất ngờ lãi kỷ lục, khôi phục "truyền thống" cổ tức

25/06/2020 18:51 GMT+7
Tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, quý 2/2020 là quý có lợi nhuận cao nhất lịch sử của Hoà Phát, đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng, HPG ước đạt khoảng 5.000 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 29,5% cùng kỳ năm trước.

Ngày 25/06/2020, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) do tỷ phú Trần Đình Long đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020.

ĐHĐCĐ lần này của Hòa Phát đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng, trong đó thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu dự kiến đạt 86.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 33% và 19% so với kết quả thực hiện năm 2019.

Năm 2019, Hòa Phát ghi nhận 64.678 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 14% so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế đạt 7.578 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, trong đó chia cổ tức tổng tỷ lệ 25% gồm 5% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong quý III/2020. 

Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long bất ngờ lãi kỷ lục, phấn đấu chia cổ tức tiền mặt - Ảnh 1.

Tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát

Hòa Phát thiết lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong quý 2/2020

Chia sẻ tại Đại hội, ông Trần Đình Long, cho biết kết quả kinh doanh quý 2, đạt gần 2.700 tỷ đồng, cao hơn gần 32% cùng kỳ năm ngoái và là quý có lợi nhuận cao nhất lịch sử của Hoà Phát. Đây là kết quả làm các cổ đông dự họp bất ngờ, bởi trong quý 2 cả nước cách ly toàn xã hội 25 ngày tháng 4, và tác động của đại dịch Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế. 

Luỹ kế 6 tháng, HPG ước đạt khoảng 5.000 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 29,5% cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, lợi nhuận của mảng nông nghiệp trong quý II tương đương quý 1, chiếm khoảng 10-12% tổng lợi nhuận. 

Quý 1/2020 Hoà Phát lãi hơn 480 tỷ từ mảng nông nghiệp, chủ yếu do nguồn cung thịt heo giảm mạnh bởi dịch tả Châu Phi và các yếu tố này không bền vững. Do đó, Tập đoàn vẫn thận trọng đối với mảng nông nghiệp. 

Trong ngắn hạn khoảng 5-10 năm tới, Hòa Phát sẽ chỉ đầu tư mở rộng và tăng công suất một cách vừa phải cho mảng nông nghiệp.

Cũng tại ĐHĐCĐ, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT cho biết: "Năm 2020, Hòa Phát dự kiến sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 20%, trong đó phấn đấu có chia cổ tức bằng tiền. Do những năm gần đây Hòa Phát bước vào giai đoạn đẩy mạnh đầu tư nên truyền thống chia cổ tức bằng tiền bị gián đoạn, từ giai đoạn 2020-2021, Tập đoàn sẽ cố gắng khôi phục truyền thống này".

Giai đoạn mở rộng dự án Hòa Phát – Dung Quất có thể mất tới 3 năm hoàn tất

Một nội dung đáng chú ý là phương án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư vào giai đoạn 1 và giai đoạn 2 dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất cũng đã được cổ đông Hòa Phát bỏ phiếu thông qua. 

Theo đó, tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó 30.000 tỷ đồng là vốn điều lệ do các cổ đông đã góp đủ, còn 30.000 tỷ đồng là vốn vay cam kết bởi các tổ chức tín dụng (25.000 tỷ đồng) và vay nội bộ các thành viên trong Tập đoàn (5.000 tỷ đồng).

Trả lời chính thức tại Đại hội, ông Trần Đình Long cho biết, giai đoạn mở rộng dự án Hòa Phát – Dung Quất đang trong quá trình xin thủ tục và có thể phải mất 2-3 năm mới hoàn tất. Khi hoàn tất thủ tục, Hòa Phát sẽ nghiên cứu thị trường và xin ý kiển cổ đông đầy đủ và cụ thể về kế hoạch góp vốn thêm một lần nữa.

Liên quan đến mục tiêu sản lượng thép xây dựng 2020, ông Trần Tuấn Dương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát thông tin: "Có thể sản lượng cả năm không đạt mục tiêu 3,6 triệu tấn nhưng Hòa Phát không điều chỉnh kế hoạch này. Cổ đông không nên lo lắng quá, tổng tiêu thụ thép xây dựng cả nước giảm 5% nhưng sản lượng của Hoà Phát vẫn tăng 10%, đặc biệt là tăng mạnh lượng phôi thép xuất khẩu. Điều này chứng minh sức cạnh tranh của thép Hòa Phát rất tốt", ông Dương nói.

Chủ tịch Trần Đình Long cho biết thêm, sản lượng thép xây dựng cả năm không dưới 3 triệu tấn. Hòa Phát sẽ làm mọi cách để bán hết 8 triệu tấn thép sản xuất khi nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2021, nếu thành phẩm không bán hết thì sẽ đẩy mạnh bán phôi", ông Long đề cập.

Đưa sản phẩm HRC ra thị trường từ tháng 9/2020 là nhiệm vụ hàng đầu

Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long bất ngờ lãi kỷ lục, phấn đấu chia cổ tức tiền mặt - Ảnh 3.

Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát năm 2020 đã biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng

Trên cơ sở nhận định diễn biến thị trường, đặc biệt là những tác động của đại dịch Covid-19, Ban điều hành Tập đoàn xác định năm 2020 là năm vừa chống dịch, vừa tập trung giữ vững đà tăng trưởng nhằm hướng tới "sức mạnh mới, tầm vóc mới". 

Trong đó, việc hoàn thành giai đoạn 2 Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất trong nửa cuối năm 2020, phấn đấu có sản phẩm HRC thương mại ra thị trường từ tháng 9 là nhiệm vụ số 1 trong năm nay.

Về tiến độ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Tập đoàn đã vận hành ổn định giai đoạn 1 với công suất 2 triệu tấn thép xây dựng.

Đối với giai đoạn 2, với sự hỗ trợ của các chuyên gia châu Âu, đến nay, dây chuyền đúc cán liên tục thép cuộn cán nóng (HRC) đã có thể chạy thử liên động ngày càng tốt hơn. Chất lượng sản phẩm đầu ra đã ngày càng hoàn thiện hơn theo các tiêu chuẩn hiện hành với HRC cho ngành cơ khí. 

Cho đến thời điểm này, sản phẩm HRC của dự án đã được sản xuất thử nghiệm thành công với sản phẩm ống thép của Tập đoàn. Hòa Phát sẽ nỗ lực hoàn thành quá trình chạy thử và có sản phẩm thương mại cho thị trường từ tháng 9 - tháng 10 tới. 

Đến thời điểm này, Hòa Phát đã tuyển dụng gần đủ nhân sự cho dự án với hơn 9.000 người, trong đó hơn 80% là người Quảng Ngãi. 

Huyền Anh
Cùng chuyên mục