Hơn 1.000 tấn cá song ở Quảng Ninh cần hỗ trợ tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán 2022

21/01/2022 07:22 GMT+7
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hơn 1.000 tấn cá song ở các huyện Vân Đồn, Quảng Yên, Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đang vào vụ thu hoạch cần hỗ trợ tiêu thụ khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Thời điểm này mọi năm, bến cá Bến Giang, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) tấp nập tàu thuyền chở cá về bờ, bán buôn cho các tiểu thương đi tiêu thụ. Nhưng gần 2 năm nay, dịch bệnh Covid-19 làm sức mua giảm, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, Bến Giang vắng người và hơn 200 tấn cá song vào vụ thu hoạch của hàng trăm hộ dân ở phường Tân An và xã Hoàng Tân vẫn nằm dưới biển.

Hơn 1.000 tấn cá song ở Quảng Ninh cần hỗ trợ tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán 2022 - Ảnh 1.

Hàng trăm tấn cá song tại thị xã Quảng Yên đang cần hỗ trợ tiêu thụ.

Vừa cho cá ăn, anh Dương Văn Thanh, thôn Thống Nhất, phường Tân An, thị xã Quảng Yên cho biết gia đình anh có 60 ô, lồng nuôi trồng thủy sản với hơn 10 tấn cá chưa bán được.

Hiện nay, gia đình chấp nhận lỗ để thu hồi vốn nhưng sức mua giảm chưa biết làm thế nào: "Như năm ngoái chầu này, thương lái thu mua hết rồi. Giá cá mồi cho cá ăn hiện nay 11.000 đồng đến 12.000 đồng, rẻ nhất là 10.000 đồng/cân. Thời điểm này chỉ mong là cá thương phẩm được 150.000 -160.000 đồng/cân là chúng tôi cũng sẽ bán hết để lên bờ”.

Hơn 1.000 tấn cá song ở Quảng Ninh cần hỗ trợ tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán 2022 - Ảnh 2.

Số cá song nuôi trồng tại khu Bến Giang, phường Tân An đã bước vào năm thứ 4, đạt trọng lượng 3-5 kg, là thời điểm đẹp để xuất bán.

Số cá song nuôi trồng tại khu Bến Giang, phường Tân An đã bước vào năm thứ 4. Mỗi con cũng đạt trọng lượng 3-5 kg, là thời điểm đẹp để xuất bán. Theo khảo sát, giá cá song đang dao động khoảng 150.000 – 200.000/kg, giảm 100.000 so với năm ngoái. Dù đã cố gắng chào hàng qua nhiều kênh nhưng các thương lái cũng không đến thu mua, các nhà hàng cơ bản không có khách du lịch nên tiêu thụ chậm. Sức mua giảm, giá mồi làm thức ăn cho cá tăng khoảng 30-40% nên người nuôi cá khó khăn chồng khó khăn.

Ông Bùi Huy Phúc, khu 2 phường Tân An cho biết: "Với lượng cá 7-8 tấn như nhà tôi thì mỗi ngày tiết kiệm cũng mất 2 triệu tiền cá mồi là cá tự nhiên. Rất đắt mà tiền không có để mua cho ăn liên tục, phải cho ăn cách ngày. Cá không tiêu thụ được thì không có tiền trả ngân hàng. Cũng mong là được hỗ trợ tiêu thụ được phần nào để trả lãi ngân hàng”.

Hơn 1.000 tấn cá song ở Quảng Ninh cần hỗ trợ tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán 2022 - Ảnh 3.

Ngoài thị xã Quảng Yên, còn khoảng 200 tấn cá song tại Đầm Hà và 700 tấn tại Vân Đồn cần hỗ trợ tiêu thụ.

Hiện nay, không chỉ thị xã Quảng Yên, huyện Đầm Hà cũng có khoảng 200 tấn cá song cần hỗ trợ tiêu thụ, nhiều nhất là huyện Vân Đồn với 700 tấn. Ngoài ra, theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh, khoảng 700 tấn nghêu tại huyện Hải Hà và 20.000 tấn hàu Cửa Sông tại thị xã Quảng Yên cũng đang vào vụ thu hoạch cần hỗ trợ tiêu thụ.

Bà Nguyễn Hoài Thương, PGD Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết việc các sản phẩm nông sản, thủy sản tiêu thụ chậm đã được dự báo từ trước nhất là vào dịp cuối năm khi thị trường xuất khẩu bị ngưng trệ do dịch Covid -19. UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành đưa ra các giải pháp cấp bách hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, thủy sản, đặc biệt phối hợp với các tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, các KCN trên địa bàn vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động trong đơn vị hưởng ứng tiêu thụ các sản phẩm cho người dân:

“Sở đã báo cáo Bộ Công Thương và các sở Công Thương các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản trong dịp Tết này. Hiện chúng tôi đã lập danh sách rất cụ thể với số lượng, số điện thoại và đơn giá của từng sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ gửi công khai tới các sở ngành và các doanh nghiệp để họ trực tiếp kết nối, tiêu thụ cho người dân”.

Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp có điểm bán hàng phù hợp với thực tế dịch bệnh tại địa phương, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, mở rộng các kênh tiêu thụ nội địa. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân tự cân đối giá thành để xuất bán, thu hồi vốn, hoặc bán lẻ tại các chợ nhằm hạn chế những rủi ro về dịch bệnh khi chưa tiêu thụ được thủy sản./.

Theo VOV
Cùng chuyên mục