Hơn 73.000 tỷ thực hiện chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế
Ngày 13/3, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đã tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 16. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm đảm bảo điều kiện trình Quốc hội quyết định việc thành lập thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương, việc lập Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I là cần thiết.
Phạm vi nghiên cứu lập đề án bao gồm 2 quận nội thị là quận phía bắc sông Hương và quận phía nam sông Hương tách ra từ TP.Huế hiện nay; các đô thị trực thuộc tỉnh gồm thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền; các huyện ngoại thành gồm Quảng Điền, A Lưới, Phú Vang và khu vực dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông.
Theo kết quả rà soát, đánh giá các tiêu chí phân loại đô thị, đô thị Thừa Thiên Huế đạt tổng số điểm 84,92 điểm/100 điểm (khung điểm theo quy định yêu cầu đạt từ 75- 100 điểm), đảm bảo điều kiện để trình Bộ Xây dựng xem xét thẩm định đề án.
Trong tổng số 63 tiêu chuẩn, Thừa Thiên Huế có 28 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa, 28 tiêu chuẩn đạt điểm theo quy định, trong đó có 8 tiêu chuẩn áp dụng đô thị có yếu tố đặc thù. Thừa Thiên Huế có 7 tiêu chuẩn chưa đạt điểm gồm: Tỷ lệ tăng dân số; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị; mật độ đường giao thông đô thị; diện tích đất giao thông bình quân đầu người; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng; quy chế quản lý kiến trúc đô thị; khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã trình HĐND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Kinh phí thực hiện chương trình này khoảng 73.324 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 29.890 tỷ đồng, ngân sách tỉnh khoảng 8.512 tỷ đồng, nguồn vốn khác khoảng 34.922 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (kể cả nguồn vốn ODA), nguồn tín dụng đầu tư ưu đãi của Trung ương, nguồn vượt thu, tăng thu từ kinh tế địa phương sẽ được Thừa Thiên Huế ưu tiên cho đầu tư phát triển trong đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, các hạ tầng khung trong các đô thị, các công trình đầu mối trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường đô thị.
Nguồn vốn ngoài ngân sách sẽ được ưu tiên cho phát triển các dịch vụ công trong đô thị như thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường, chiếu sáng và phát triển các khu vực mở rộng, tái thiết đô thị, các khu đô thị có chức năng chuyên biệt...