Honda tạm đóng cửa 3 nhà máy khi Vũ Hán xuất hiện ổ dịch Covid-19 mới

05/08/2021 09:24 GMT+7
Đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện tại ở Trung Quốc đang có nguy cơ đe dọa tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh, đồng thời khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất.

Bắt đầu từ hôm 3/8, Honda Motor đã buộc phải tạm đóng cửa ba nhà máy lắp ráp liên doanh tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc sau khi thành phố ghi nhận 7 công nhân nhập cư dương tính với Covid-19.

Các nhà máy này có tổng công suất hàng năm lên tới 720.000 xe. Chưa rõ khi nào Honda sẽ mở cửa trở lại ba nhà máy này. Hồi năm ngoái, Honda cũng từng đóng cửa các nhà máy tại Vũ Hán trong vòng 76 ngày khi thành phố trở thành tâm chấn của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Theo dữ liệu do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố, tính trong hai tuần gần nhất đến hết ngày 3/8, Trung Quốc ghi nhận 485 ca nhiễm mới Covid-19. Đây là đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất kể từ làn sóng dịch đầu tiên vào năm ngoái tại quốc gia này. Trong đó, biến thể delta dễ lây lan là nguyên nhân thúc đẩy các ca nhiễm tăng nhanh trong cộng đồng.

Honda tạm đóng cửa 3 nhà máy khi Vũ Hán xuất hiện ổ dịch Covid-19 mới - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trong nhà máy Dongfeng Honda ở Vũ Hán (Reuters)

Trường hợp dương tính đầu tiên được phát hiện hôm 20/7 tại một  sân bay quốc tế ở Nam Kinh, một thành phố ở miền đông Trung Quốc. Lượng khách du lịch tăng nhanh trong mùa du lịch hè rõ ràng đã thúc đẩy sự lây lan nhanh chóng hơn của biến thể delta. Kể từ đó đến nay, các ca nhiễm trong cộng đồng đã được ghi nhận tại khoảng 30 thành phố trên toàn Trung Quốc, bao gồm cả Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh. Ít nhất 15 trong số 32 tỉnh của Trung Quốc đã ghi nhận các ca dương tính, buộc các nhà chức trách địa phương xem xét nhiều biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt như phong tỏa khu vực, hủy bỏ các lễ hội tập trung đông người, đóng cửa khu du lịch và rạp chiếu phim. 

Hôm 3/8, thành phố Vũ Hán đã tuyên bố xét nghiệm PCR với toàn bộ 12 triệu cư dân trong nỗ lực phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng và kiểm soát sự lây lan dịch bệnh. Tại Nam Kinh, trung tâm của lần bùng phát dịch mới đây, các nhà chức trách cũng thực hiện xét nghiệm trên 9 triệu cư dân. Các khu vực phát hiện ca dương tính đã bị phong tỏa nghiêm ngặt. 

Theo báo cáo của các cơ quan y tế Trung Quốc, nước này đã tiến hành tiêm hơn 1,7 tỷ liều vắc xin tại đại lục tính đến hết 3/8. Điều này nghĩa là có ít nhất 800 triệu người đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, dòng vắc xin Covid-19 do Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc phát triển được cho là có hiệu quả khoảng 50-78% với biến thể delta đang lây nhiễm. Con số này thấp hơn tỷ lệ hiệu quả hơn 90% của các dòng vắc xin Pfizer và Moderna do Mỹ phát triển, theo ông Lu Shan, giáo sư tại Trường Y Đại học Massachusetts.

Cho đến nay, Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của các làn sóng dịch Covid-19 trước đó thông qua sự kết hợp của việc đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng, áp đặt các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, tiêm chủng vắc xin. Tuy nhiên, khi biến thể delta lây lan rộng, nó có nguy cơ giáng đòn đau vào đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc - vốn được coi là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng của phần còn lại thế giới.

Các nhà phân tích Nomura Holdings Inc. gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng quý III của Trung Quốc xuống 5,1% từ mức 6,4% trước đó; đồng thời hạ dự báo tăng trưởng quý IV xuống 4,4% từ mức 5,3% trước đó. Trong cả năm 2021, Nomura cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc từ 8,9% xuống 8,2% do quan ngại trước sự lây lan của biến thể delta cũng như hậu quả của các trận mưa bão, lũ lụt nghiêm trọng vừa qua.




NTTD
Cùng chuyên mục