'Hợp tác xã là chìa khóa cho việc ứng dụng khoa học vào nông nghiệp'
Chiều 6/11, đại biểu Bố Thị Xuân Linh, đoàn Bình Thuận đặt câu hỏi liên quan việc đưa giải pháp công nghệ vào nông nghiệp để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tập trung và hiệu quả.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất đang gặp vướng mắc then chốt là nền nông nghiệp vẫn phần lớn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ với 8,6 triệu hộ và hàng chục triệu mảnh ruộng.
Ông cũng khẳng định có giải pháp cho vấn đề này, cụ thể là không gì bằng tổ chức liên kết các hộ sản xuất, hình thành các hợp tác xã, từ đó liên kết với các doanh nghiệp để hình thành nền nông nghiệp tuần hoàn, khép kín để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, có công nghiệp chế biến và có tổ chức thị trường.
Trên thực tế, do ý thức được vấn đề này nên Quốc hội đã có Luật Hợp tác xã mới và giao chỉ tiêu đến năm 2020 phải phấn đấu có 15.000 hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả và có chính sách khuyến khích để ra đời được nhiều doanh nghiệp trong khu vực này.
“Đến thời điểm này, chúng ta đã có 16.500 hợp tác xã, trong 4 năm vừa qua, chúng ta đã tăng được 3 lần số doanh nghiệp đã cùng với các hợp tác xã làm hạt nhân liên kết, hình thành những vùng sản xuất lớn, tương đối tập trung”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh cả ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương sẽ phải quyết tâm hơn để thúc đẩy hiệu quả từ mô hình hợp tác xã.
Đối với Bình Thuận, Bộ trưởng cho biết đã hình thành được vùng thanh long 28.000 ha, Bộ NN-PTNT đã làm việc để đưa một số doanh nghiệp vào kết hợp cùng với tỉnh.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho răng con số này còn ít, sắp tới phải tăng cường thêm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Rừng còn quan trọng hơn cả trời!"
Sau khi nghe chia sẻ của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Nếu đại biểu lắng nghe thì tôi không nói rằng là “thủy điện là nguyên nhân hay thủy điện không là nguyên nhân (gây những vụ sạt lở ở miền Trung - PV) mà tôi nói rằng con người là nguyên nhân”.
Nhiều quốc gia văn minh như Na Uy rất nhiều thủy điện. Nhưng họ dựa trên thế năng tự nhiên. Còn khi chúng ta tận dụng mọi cơ hội, và chúng ta chấp nhận mất rừng, thì khi đó là nguyên nhân từ con người.
“Đại biểu nói với tôi rừng quan trọng như thế nào là do ông trời? Tôi nghĩ rằng rừng còn quan trọng hơn cả trời. Vì tôi thở không khí từ việc cây rừng lọc khí CO2 và nhả khí O2 cho tôi thở. Rừng là nơi cung cấp 70% các tài nguyên cho cuộc sống của con người. Rừng là những gì hết sức thiêng liêng, rừng sinh thủy, rừng chứa chúng ta và trong chiến tranh thì rừng che bộ đội”, ông Hà nói.
Bởi vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, “thủy điện không phải là nguyên nhân mà thủy điện là hậu quả do chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không dựa vào quy luật tự nhiên”. Và việc này chúng ta có thể khắc phục được.
Vấn đề thứ hai, mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện. Mất rừng còn là do chúng ta có tư duy sai trái. Chẳng hạn trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã,...
Từ góc độ này, với tư cách là cơ quan quản lý tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng với Bộ NN-PTNT và Quốc hội rà soát từng mét vuông đất chuyển từ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng, những nơi nào không còn rừng nhưng chức năng của nó là phòng hộ và bảo vệ con người thì chúng ta phải phục hồi lại rừng. Và phải phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất là rừng tự nhiên.
'Phá rừng đúng quy trình' thông qua các dự án thì phải chỉ mặt đặt tên ai?
Đại biểu Ksor H’ Bơ Khăp (Gia Lai) đặt vấn đề Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói “thủy điện không có lỗi trong những vụ sạt lở ở miền Trung những ngày qua mà là do trời mưa, địa chất bị đứt gãy”.
Nữ đại biểu hỏi: Vậy Bộ trưởng cho biết thời gian tới Bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng phát triển thủy điện nhỏ đúng không? Và theo Bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam?
Bà tiếp tục đặt câu hỏi: “Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?”
Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp xúc động và trân trọng trước trăn trở của Thủ tướng, rằng “Tây Nguyên không thể trở thành sa mạc mà phải phủ rừng xanh bạt ngàn. Do đó phải xem xét vấn đề xây dựng thủy điện nhỏ để hạn chế vấn đề phá rừng”.
Bà đặt câu hỏi với Thủ tướng: “Việc 'phá rừng đúng quy trình' thông qua các dự án thì phải chỉ mặt điểm tên cá nhân, tổ chức nào hay cứ bảo do Quốc hội bấm nút là được? Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức không? Công tác cán bộ của ta nên đưa vấn đề này vào chưa?”.