Thủ tướng "thúc" triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng, phân loại dự án BĐS để giãn nợ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023 về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản, bám sát theo tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, phân khúc thị trường giá cả bất động sản hợp lý hơn
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng (cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bất động sản và nhà ở), Bộ Tài chính (cơ quan quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng) theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với nhau để tháo gỡ vướng mắc, bất cập một cách quyết liệt, mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến tích cực, khởi sắc thị trường bất động sản.
Trong đó, thị trường và doanh nghiệp bất động sản phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, phân khúc thị trường giá cả bất động sản hợp lý hơn, đặc biệt chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.
Đồng thời, rà soát các dự án nhà ở, các dự án bất động sản để cùng doanh nghiệp xử lý vướng mắc pháp lý, nhất là các dự án bất động sản có phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các dự án bất động sản có bảo lãnh, vay vốn ngân hàng và huy động vốn từ người mua nhà ở.
Riêng Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu Bộ này khẩn trương hoàn thiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Công văn số 1814/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2023.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền và các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.
Khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Đồng thời, tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/1/2022.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo theo thẩm quyền các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nợ…) theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Đồng thời, nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản. Đây cũng là một trong 3 giải pháp khẩn cấp vừa được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp bất động sản.
2 giải pháp khẩn cấp còn lại được HoREA nêu ra gồm:
Thứ nhất, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn với khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành. Ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và các tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các trái chủ.
Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại thì doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP.
Thứ hai, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi điểm a khoản 8, Điều 4, Thông tư 16/2021/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.