HSBC: Bức tranh tổn thất bắt đầu rõ nét nhưng triển vọng kinh tế Việt Nam dài hạn không lu mờ

10/09/2021 17:16 GMT+7
HSBC vừa phát hành báo cáo định kỳ Vietnam At A Glance với tựa đề “Tháng 8 không tươi sáng và những “niềm đau” của chuỗi cung ứng”, trong đó chỉ ra những gián đoạn lớn mà làn sóng dịch Covid-19 hiện tại gây ra cho đà phục hồi không làm mờ triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Theo HSBC, số liệu kinh tế tháng 8 phản ánh rõ nét sự ngưng trệ trong phục hồi kinh tế của Việt Nam. Làn sóng dịch mới nhất do biến thể Delta dễ lây lan đã dẫn đến việc hàng loạt địa phương trên cả nước, trong đó bao gồm những “đầu tàu kinh tế” như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Bên cạnh động lực nội tại giảm tốc, một dấu hiệu đáng báo động là động lực bên ngoài cũng đang “hụt hơi” khi lần đầu tiên trong một năm, xuất khẩu suy giảm nghiêm trọng. Một số ngành thậm chí ghi nhận sự gián đoạn chuỗi cung ứng và đứt gãy trong sản xuất.

Bức tranh tổn thất bắt đầu rõ nét nhưng không làm mờ triển vọng trong dài hạn

HSBC: Bức tranh tổn thất bắt đầu rõ nét nhưng triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn không lu mờ - Ảnh 1.

Số ca nhiễm mới Covid-19 tăng vọt (biểu đồ 1) buộc Chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm giảm khả năng di chuyển của người dân (biểu đồ 2)

Không quá ngạc nhiên khi các số liệu tháng 8 phản ánh rõ nét những tổn thất mà nền kinh tế Việt Nam đang phải gánh chịu trong đợt bùng dịch lần này. Tiêu dùng cá nhân trong nước ảnh hưởng nặng nề khi khả năng đi lại của người dân nói chung bị hạn chế tới mức trung bình 60% so với trước đại dịch. Điều này đồng nghĩa với mức sụt giảm mạnh mẽ 40% của doanh số bán lẻ so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như TP. Hồ Chí Minh, doanh số bán lẻ thậm chí giảm 51%. Đáng chú ý, so với lần phong tỏa hồi tháng 4/2020, doanh số bán lẻ tháng 8 cũng giảm tới hơn 10% (biểu đồ 3).

Vấn đề đáng báo động hơn là khả năng trụ vững của ngành sản xuất trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tháng 8 giảm xuống 40.2 (biểu đồ 4), mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua. Sản lượng công nghiệp tháng 8 cũng giảm mạnh 11% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức giảm khá sâu sau khi đạt tăng trưởng vững vàng 12% trong 6 tháng đầu năm.

HSBC: Bức tranh tổn thất bắt đầu rõ nét nhưng triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn không lu mờ - Ảnh 2.

Doanh số bán lẻ và PMI sản xuất giảm mạnh trong tháng 8 phản ánh những tổn thất nặng nề do làn sóng dịch Covid-19 mới nhất gây ra

Tổn thất nặng nề nhất rơi vào ngành da giày và dệt may, do khu vực Đông Nam Bộ vốn là đầu mối gia công quan trọng của thế giới. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hơn 30% nhà máy dệt may đã phải đóng cửa do làn sóng bùng phát dịch, qua đó góp phần làm giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 xuống 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh thị phần của ngành da giày Việt Nam trên thế giới đang chiếm 15%, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, sự đình trệ đột ngột này đang đem đến những thách thức lớn cho nhiều nhà nhập khẩu cũng như các thương hiệu lớn. Nike là một ví dụ điển hình cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu: 88 trong tổng số 112 nhà máy của Nike tại Việt Nam đều nằm ở Đông Nam Bộ, chịu trách nhiệm sản xuất 50% sản phẩm giày dép mang nhãn hiệu Nike, theo nguồn tin của CNBC.

Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Do đó, những gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi làn sóng dịch ở Việt Nam có thể tác động nặng nề đến người tiêu dùng Mỹ - thị trường chiếm gần một nửa sản lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Chẳng hạn, sản xuất tại Việt Nam chiếm tới 30% sản lượng toàn cầu của thương hiệu đồ thể thao Adidas.

HSBC: Bức tranh tổn thất bắt đầu rõ nét nhưng triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn không lu mờ - Ảnh 3.

Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu là mức giảm quá lớn của ngành dệt may và da giày

Một điểm sáng hiếm hoi là kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử ít bị tác động bởi làn sóng đại dịch mới nhất, theo nhận định của các chuyên gia HSBC. Cũng giống như ngành hàng da giày và dệt may, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 12% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu điện thoại lại duy trì ổn định đáng ngạc nhiên với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính được cho là do các cụm công nghiệp sản xuất và lắp ráp smartphone tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc, nơi ít bị ảnh hưởng bởi lần bùng phát dịch gần đây.

Bất chấp những thách thức từ làn sóng dịch mới nhất, HSBC nhận định Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới. Những tác động ngắn hạn từ đại dịch là không đủ để che mờ tiềm năng từ các điều kiện nền tảng tăng trưởng vững mạnh của Việt Nam, theo HSBC. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã bắt đầu hành động. Trong 6 tháng cuối năm, Samsung có kế hoạch mở rộng nhà máy điện thoại tại Việt Nam nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập khoảng 47% lên 25 triệu chiếc mỗi năm. Trong khi đó, LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho một nhà máy Hải Phòng để tăng sản lượng màn hình OLED mỗi tháng từ 9,6-10 triệu đơn vị lên 13-14 triệu đơn vị, theo The Asset.

Vắc xin là chìa khóa phục hồi kinh tế

Các nhà phân tích HSBC chỉ ra rằng càng sớm kiểm soát được đợt bùng dịch mới nhất, Việt Nam càng lấy lại được lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài. Và chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh thành công không gì khác ngoài tăng tốc độ tiêm chủng vắc xin. 

So với 6 tháng đầu năm, tốc độ tiêm chủng của Việt Nam đã tăng rõ rệt trong quý III. Các cơ quan chức năng hiện đặt mục tiêu hoàn tất tiêm chủng cho toàn bộ đối tượng đủ điều kiện (từ 18 tuổi trở lên) ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng 3 tỉnh thành khác trước ngày 15/9. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh nhiều khả năng sẽ là địa phương đầu tiên hoàn thành mục tiêu khi tính đến ngày 5/9, đã có tới 88% dân số được tiêm phòng ít nhất 1 liều vắc xin, tạo điều kiện cho việc từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế từ giữa tháng 9.

Gần đây, các cơ quan chức năng cũng có dấu hiệu thay đổi chiến lược kiểm soát đại dịch khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm “Sống chung với Covid-19”. Kịch bản này phụ thuộc phần nhiều vào khả năng đạt được tỷ lệ tiêm chủng lớn, do đó trọng tâm của các nhà hoạch định chính sách lúc này là đảm bảo nguồn cung vắc xin cũng như thúc đẩy tiến độ tiêm chủng trên cả nước. Cho đến nay, ước tính mới chỉ có 18% dân số tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc xin và 3% dân số tiêm chủng đủ 2 liều vắc xin.

HSBC: Bức tranh tổn thất bắt đầu rõ nét nhưng triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn không lu mờ - Ảnh 4.

Đến cuối năm nay, Việt Nam có thể có 112 triệu liều vắc xin, theo tính toán của HSBC

Một thông tin đáng lạc quan là Việt Nam có hy vọng tăng mạnh nguồn cung vắc xin trong quý IV sắp tới. Theo tính toán của HSBC dựa trên các thông tin chính thức, Việt Nam có thể nhận được 112 triệu liều vắc xin vào cuối năm nay, đủ để tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin cho 56% dân số trước khi tiến tới đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% dân số vào khoảng quý II/2020. Càng nhanh chóng tiến tới mốc miễn dịch bầy đàn này, Việt Nam càng có khả năng sớm mở cửa biên giới để chào đón du khách và nhà đầu tư nước ngoài.


NTTD
Cùng chuyên mục