Huawei củng cố quan hệ với Samsung, SK Hynix khi bị Mỹ chặn đứng nguồn cung chip

25/05/2020 14:12 GMT+7
Tờ Korea Daily mới đây đưa tin Huawei đã yêu cầu duy trì nguồn cung chip nhớ ổn định từ Samsung và SK Hynix, hai nhà sản xuất chip lớn nhất Hàn Quốc trong bối cảnh Bộ Thương mại Mỹ tạo áp lực chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của hãng này.
Huawei củng cố quan hệ với Samsung, SK Hynix khi bị Mỹ chặn đứng nguồn cung chip - Ảnh 1.

Huawei làm việc với hai nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Hàn Quốc sau khi bị Mỹ gây áp lực

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei được cho là đã liên hệ với giám đốc điều hành cấp cao của hai nhà sản xuất chip lớn nhất Hàn Quốc là Samsung và SK Hynix để trao đổi về nguồn cung ứng chip nhớ ổn định trong bối cảnh Mỹ chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu hiện tại của Huawei.

Được biết, Huawei hiện là một trong năm khách hàng lớn nhất toàn cầu của Samsung và SK Hynix. Samsung và SK Hynix cung cấp tới 70% chip nhớ DRAM trên toàn cầu. Mỗi năm, ước tính hai hãng chip Hàn Quốc này thu về tới 10 nghìn tỷ Won (8,1 tỷ USD) doanh thu bán chip flash DRAM và NAND cho Huawei.

Huawei đã buộc phải tìm kiếm nguồn cung cấp chip nhớ ổn định từ các đối tác Samsung và SK Hynix khi Bộ Thương mại Mỹ mới đây ban hành Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, trong đó yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Washington cho phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei. Bộ Quy tắc có hiệu lực ngay từ 15/5, buộc nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất toàn cầu TSMC phải ngừng nhận đơn hàng mới từ Huawei.

Các quy tắc của chính quyền Tổng thống Trump hiện chưa bao gồm hạn chế sản phẩm chip nhớ mà chỉ nhắm đến chipset vi xử lý, nhưng Huawei lo ngại các hạn chế có thể mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn. Một khi các công ty như SK Hynix hay Samsung bị chặn nguồn cung chip bộ nhớ xuất khẩu cho Huawei, nó sẽ đe dọa trực tiếp sự tồn tại của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Một quan chức giấu tên trong ngành công nghệ cho biết Huawei đang tích cực xây dựng kho lưu trữ chip bộ nhớ để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất một khi bị Mỹ phong tỏa nguồn cung ứng trên toàn cầu.

Huawei đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới trong hơn 2 năm qua. Hồi tháng 5/2019, khi đàm phán Mỹ Trung đổ bể, Huawei ngay lập tức bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen với hàng chục cáo buộc như vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran, gián điệp cho Bắc Kinh, mối quan ngại cho rủi ro an ninh quốc gia.

Từ đó đến nay, Nhà Trắng ngày càng tăng cường nỗ lực “đàn áp” Huawei trên toàn cầu, bao gồm kêu gọi các quốc gia đồng minh cấm cửa Huawei, đe dọa ngừng chia sẻ thông tin tình báo với một số nước nếu cố tình sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông 5G của Huawei…  Động thái từ Mỹ buộc Bắc Kinh hành động để cứu Huawei khỏi những thiệt hại nặng nề. Tới đây, các quỹ đầu tư của chính phủ Trung Quốc sẽ bơm vốn 2,25 tỷ USD cho tập đoàn sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC. SMIC hiện đã sản xuất thành công chipset Kirin 710A được thiết kế bởi công ty con HiSilicon của Huawei; và dự kiến sẽ sử dụng số vốn đầu tư trên để tăng cường công tác nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng những nhu cầu sản xuất chip tiên tiến từ Huawei.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục