Nokia tham vọng tấn công thị trường sân nhà của Huawei
Nhiều năm nay, Nokia đã không thành công trong việc tấn công thị trường Trung Quốc, sân nhà của gã khổng lồ viễn thông Huawei. Giờ đây, khi tân CEO Pekka Lundmark trở thành người dẫn dắt doanh nghiệp, tham vọng tiến công một trong những thị trường lớn và cạnh tranh bậc nhất thế giới của Nokia lại một lần nữa bùng lên.
Nokia kỳ vọng thâm nhập sâu vào ngành công nghiệp cơ sở hạ tầng mạng 5G, nơi mà đại gia công nghệ Trung Quốc Huawei gần như đang giữ vị thế độc tôn. Huawei từ lâu đã là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông lớn nhất thế giới, là đối thủ lớn nhất của Nokia và Ericsson trên đường đua 5G. Trung Quốc là thị trường nội địa quan trọng của Huawei, nơi Huawei giành vị thế vững chắc và đang ngày càng chiếm thị phần to lớn hơn sau khi bị Mỹ đàn áp ở thị trường quốc tế.
Với tham vọng vươn lên thành siêu cường công nghệ, chính phủ Trung Quốc đang dồn những khoản đầu tư khổng lồ vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, thiết bị thông minh, tự động hóa công nghiệp… Trong đó, mạng di động 5G thế hệ mới với kết nối nhanh gấp hàng trăm lần mạng 4G được xem là trung tâm của những cải tiến này. Dự kiến, 3 nhà mạng viễn thông hàng đầu Trung Quốc sẽ đầu tư tổng cộng 180 tỷ NDT (25,2 tỷ USD) vào các lĩnh vực liên quan đến công nghệ 5G trong năm nay. Con số này tăng tới 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nokia đang kỳ vọng sẽ tận dụng sự tăng trưởng này để tấn công thị trường mạng 5G Trung Quốc. Trong cuộc họp báo hôm 30/4, CEO Rajeev Suri cho biết hãng công nghệ Phần Lan kỳ vọng sẽ giành được các đơn đặt hàng cơ sở hạ tầng mạng 5G cốt lõi từ China Unicom, một trong những nhà mạng lớn nhất thị trưởng tỷ dân. Tất nhiên, để làm được điều này, Nokia phải cạnh tranh trực tiếp với Huawei - nhà cung cấp thiết bị viễn thông số 1 thế giới và ZTE - một nhà cung cấp thiết bị viễn thông nội địa Trung Quốc khác.
Đến cuối tháng 4/2020, Nokia đã giành được khoảng 70 hợp đồng phát triển mạng 5G với 70 công ty viễn thông trên toàn cầu, nhưng chỉ có 6% trong số đó là các công ty khai thác mạng ở Trung Quốc đại lục. Tân CEO Nokia Pekka Lundmark trong một cuộc họp báo đã khẳng định sẽ sử dụng những kinh nghiệm “thực chiến” tại Trung Quốc để củng cố vị thế của Nokia khi tấn công thị trường này.
Nhưng Trung Quốc không phải thị trường duy nhất mà Nokia sắp đối đầu với Huawei. Trong khi Châu Âu là thị trường sân nhà của Nokia, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện của nó ở khu vực này. Trong số 91 hợp đồng phát triển mạng 5G mà Huawei đã ký tính đến nay, có khoảng 50 hợp đồng nằm ở Châu Âu. Vào tháng 2/2020, Huawei cho biết sắp xây dựng một nhà máy thiết bị viễn thông trị giá 200 triệu EUR (khoảng 222 triệu USD) tại Pháp nhằm đáp ứng các đơn đặt hàng tại Châu Âu. Tức là khi Nokia muốn tấn công thị trường nội địa của Huawei, Huawei cũng tăng cường “tiến quân” vào chính sân nhà của Nokia.
Các sản phẩm thiết bị viễn thông của Huawei có lợi thế rẻ hơn từ 20-30% so với sản phẩm của Nokia và Ericsson. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Châu Âu vẫn muốn hợp tác với Huawei bất chấp áp lực từ Mỹ và hàng loạt cáo buộc gián điệp cho Bắc Kinh, rủi ro an ninh quốc gia...
Nokia từng là một trong những hãng điện thoại di động danh tiếng, chiếm tới một nửa thị phần điện thoại di động toàn cầu. Nhưng nó đã bị tụt hậu sau khi Apple và Samsung giới thiệu đến thị trường hàng loạt sản phẩm smartphone với công năng và thiết kế ưu việt hơn nhiều. Năm 2013, Nokia đã bán mảng kinh doanh điện thoại di động cho Microsoft. Năm 2015, hãng mua lại Alcatel-Lucent, một nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Pháp với giá khoảng 18,6 tỷ USD và chuyển mình từ nhà sản xuất điện thoại di động thành một trong những công ty hạ tầng viễn thông lớn nhất hành tinh.