Huawei muốn thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới

24/09/2020 06:48 GMT+7
Huawei sẽ tập trung vào những lĩnh vực mới, như kết nối, AI và điện toán đám mây giữa bối cảnh hãng đang chịu nhiều sức ép từ phía Mỹ.

Sự kiện Huawei Connect, diễn ra ngày 23/9 tại Thượng Hải, thu hút sự quan tâm lớn của giới công nghệ bởi Huawei đang là tâm điểm trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết họ đang đối mặt với sức ép lớn và sự tấn công từ Mỹ. Nước này đã ba lần điều chỉnh các quy định để gây khó khăn cho việc sản xuất và hoạt động kinh doanh của Huawei.

Huawei muốn thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Chủ tịch luân phiên của Huawei Guo Ping tại sự kiện Huawei Connect 2020. Ảnh: Reuters.

"Sống sót là mục tiêu", ông nhấn mạnh. Và để vượt qua những thách thức này, Huawei sẽ tập trung vào năm lĩnh vực công nghệ là kết nối, đám mây, trí tuệ nhân tạo, điện toán và các ứng dụng chuyên ngành để tạo ra những cơ hội mới.

"Khi ngày càng nhiều chính phủ và doanh nghiệp chuyển sang kỹ thuật số và các giải pháp thông minh, lĩnh vực công nghệ sẽ cho thấy tiềm năng phát triển đáng kinh ngạc và chúng tôi mong muốn cùng các đối tác mở ra chương mới này", ông Guo Ping nói.

Chủ tịch luân phiên của Huawei cho biết hãng đặt mục tiêu trở thành một trong năm nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới. Tại Trung Quốc, mảng cloud của Huawei hiện vẫn đứng sau Alibaba và Tencent, nhưng bộ phận này cũng đang phát triển nhanh chóng và có vị trí quan trọng ngang với mảng kinh doanh smartphone và thiết bị viễn thông.

"Kết nối, điện toán, đám mây và AI giống điện cách đây 100 năm. Trong khi đó, các ứng dụng chuyên ngành đóng vai trò như thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp chạy bằng điện", ông Guo Ping nói.

Bất chấp lệnh cấm, đại diện Huawei tiết lộ lượng chip tích trữ trong kho "vẫn đủ" để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của mình.

"Chúng tôi tiêu thụ hàng trăm triệu chipset trên điện thoại di động mỗi năm và vẫn đang tìm cách giải quyết vấn đề về nguồn cung", ông Ping nói thêm. "Lệnh cấm của Mỹ cũng đang gây tổn hại và vấp phải sự phản đối từ một số doanh nghiệp sản xuất chip tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Chúng tôi cũng biết các nhà cung cấp chip của Mỹ đang tích cực xin giấy phép để tiếp tục để hợp tác với Huawei".

Ông hy vọng chính phủ Mỹ sẽ cân nhắc lại về các quy định và điều khoản với Huawei, dựa trên "sự cởi mở và hợp tác".

Theo Reuters, ngày 22/9, phát ngôn viên của Intel tiết lộ họ đã được chính phủ Mỹ cấp giấy phép giao dịch với Huawei, nhờ đó có thể bán cho công ty Trung Quốc này một số sản phẩm nhất định. Giới phân tích nhận định, Huawei có thể sử dụng chip của Intel để thay thế các CPU đám mây của công ty là Kunpeng và Ascend - hiện bị hạn chế sản xuất do lệnh cấm của Mỹ.

Theo VnExpress
Cùng chuyên mục