PAN báo lợi nhuận sau thuế đạt 774 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2021

01/02/2023 07:47 GMT+7
Trong quý IV, PAN báo lãi sau thuế đạt gần 235 tỷ đồng, giảm gần 16% so với cùng. Nguyên nhân do hụt thu từ 2 mảng lớn là thuỷ sản và giống cây trồng. Tuy vậy, cả năm lợi nhuận sau thuế của Pan đạt 774 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2021.

Công ty CP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và lũy kế năm 2022. Cụ thể, trong quý IV, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn bán hàng cũng tăng mạnh lên hơn 3.000 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt 894 tỷ đồng, tăng 26% lên 894 tỷ đồng.

Tăng trưởng doanh thu chủ yếu tới từ mảng nông dược và bánh kẹo khi VFC đạt 850 tỷ doanh thu (tăng 38,5% so với cùng kỳ) và Bibica đạt 670 tỷ doanh thu (tăng 53% so với cùng kỳ). Ngoài ra mảng hạt, hoa quả sấy cũng có tăng trưởng doanh thu cao ở mức 30% khi tận dụng nhu cầu cao cho dịp Lễ, Tết cũng như việc thị trường Trung Quốc, Hong Kong phần nào được nới lỏng giãn cách vào thời điểm cuối năm 2022.

Riêng với mảng thủy sản, với nhu cầu suy giảm trên thị trường thế giới (Mỹ, EU) khiến doanh thu trong quý cuối cùng của PAN trong năm 2022 giảm nhẹ 16% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu tài chính đạt gần 96 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ trong khi chi phí tài chính lại tăng tới 53%, đạt hơn 115,6 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 122% lên 385 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 33% xuống 213,7 tỷ đồng.

Kết quả, PAN báo lãi sau thuế đạt gần 235 tỷ đồng, giảm gần 16% so với cùng. Lợi nhuận công ty mẹ 131 tỷ đồng, giảm 25%.

Hụt thu từ mảng thủy sản và giống cây trồng, PAN báo lãi quý IV giảm 16% xuống hơn 230 tỷ đồng - Ảnh 1.

BCTC của PAN

Giải trình về kết quả kinh doanh, PAN cho biết lợi nhuận giảm trong quý IV do hụt thu từ 2 mảng lớn là thuỷ sản và giống cây trồng, biên lợi nhuận gộp hợp nhất chịu sức ép từ sức mua yếu cũng như chi phí giá thành sản phẩm tăng.

Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần của PAN đạt 13.600 tỷ đồng, tăng 48% với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 774 tỷ đồng, tăng 51% và lãi ròng đạt 363 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2021.

Kết quả này cũng vượt kế hoạch lợi nhuận đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua (755 tỷ lợi nhuận sau thuế và 355 tỷ lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ).

Tổng tài sản của PAN tính tới 31/12/2022 đạt 16.054 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng mạnh 20,4% lên mức hơn 3.031 tỷ đồng, trích lập hơn 91 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Các khoản tiền và tương đương tiền mà PAN đang nắm giữ giảm mạnh 34% so với thời điểm đầu năm, từ mức hơn 2.841 tỷ đồng còn hơn 1.869 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 29,6% từ hơn 1.606 tỷ đồng lên 2.082 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của PAN tại thời điểm cuối năm tăng 8% lên mức hơn 8.204 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng 33%, đạt hơn 5.120 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn giảm mạnh 99,6% xuống hơn 4,2 tỷ đồng.

Mới đây, Tập đoàn PAN vừa thông qua việc nghị quyết về việc bảo lãnh với Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank – Chi nhánh TP.HCM (Kbank) với số tiền gốc bảo lãnh tối đa 80 tỷ đồng cho các nghĩa vụ của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) phát sinh theo hợp đồng tín dụng.

Bên cạnh đó, PAN cũng thông qua việc mở hạn mức tín dụng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Sở giao dịch (Vietcombank) với hạn mức không vượt quá 3.000 tỷ đồng.

Mục đích cấp hạn mức để đầu tư trái phiếu chính phủ, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá tại các tổ chức tín dụng (ngoại trừ cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp). Thời gian 5 năm hoặc đến khi HĐQT có nghị quyết điều chỉnh/thay thế.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/1, giá cổ phiếu này tăng 0,58% lên 17.400 đồng/cp.



An Vũ
Cùng chuyên mục