SSI Research: Hệ sinh thái có nhiều điểm sáng, lợi nhuận PAN có thể tăng 71% trong năm 2022

23/09/2022 18:11 GMT+7
SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế (LNST) hợp nhất và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ của PAN lần lượt là 871 tỷ đồng (tăng 71% so với cùng kỳ) và 438 tỷ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ)

Lợi nhuận PAN có thể tăng 71% lên 871 tỷ đồng

Tại Báo cáo phân tích mới đây, SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế (LNST) hợp nhất và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ của PAN lần lượt là 871 tỷ đồng (tăng 71% so với cùng kỳ) và 438 tỷ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ), cao hơn so với kế hoạch công ty đặt ra là 755 tỷ đồng cho LNST hợp nhất (tăng 48% so với cùng kỳ) và 355 tỷ đồng LNST của cổ đông công ty mẹ (tăng 20% so với cùng kỳ). 

Tăng trưởng trong năm 2022 được thúc đẩy bởi: hợp nhất KQKD cả năm của VFG; và tăng trưởng lợi nhuận trong tất cả các mảng hoạt động, ví dụ như giống (tăng 16% so với cùng kỳ), thuốc BVTV (tăng 27% so với cùng kỳ), bánh kẹo (tăng 44% so với cùng kỳ - mảng cốt lõi), hạt & trái cây sấy khô (tăng 37,4% so với cùng kỳ), nước mắm (tăng 22% so với cùng kỳ), cá tra & ngao (tăng 117% so với cùng kỳ) và tôm (tăng 14% so với cùng kỳ).

SSI Research: Hệ sinh thái có nhiều điểm sáng, lợi nhuận PAN có thể tăng 71% trong năm 2022 - Ảnh 1.

SSI Research ước tính LNST và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ của PAN trong năm 2023 lần lượt là 889 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ) và 450 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ). Mặc dù lợi nhuận của BBC trong năm 2023 có thể giảm do không có khoản lợi nhuận ghi nhận một lần và lợi nhuận của ABT trong năm 2023 sẽ quay trở lại mức bình thường sau khi đạt mức cao nhật trong năm 2022, PAN vẫn có thể duy trì lợi nhuận cao do các mảng hoạt động khác sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững (nước mắm tăng 20 % so với cùng kỳ, hạt & trái cây khô tăng 20% so với cùng kỳ, giống tăng 18% so với cùng kỳ, thuốc BVTV tăng 16% so với cùng kỳ và tôm tăng 9% so với cùng kỳ). 

Nếu loại trừ lợi nhuận bất thường trong 2022, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi có thể tăng 21% trong năm 2023. 

Trong giai đoạn 2021-2025, PAN sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao. Trong giai đoạn 2013-2018, PAN chủ yếu tập trung vào hoạt động mua bán và sáp nhập. Công ty đã mua lại ABT (năm 2013), NSC (năm 2014), BBC (năm 2015 và FMC (năm 2017) và VFG (năm 2021). Trong giai đoạn 2018-2020, sau các giao dịch mua bán và sáp nhập, PAN đã áp dụng các giải pháp để củng cố nền tảng cốt lõi của công ty, bao gồm tăng cường R&D, mở rộng năng lực sản xuất và thay đổi công nghệ sản xuất để nâng cao tính hiệu quả và mở rộng tệp khách hàng. Cho đến nay, PAN đã hoàn thành giai đoạn mua bán và sáp nhập, và hiện đang tập trung vào hoạt động.

PAN có những lợi thế gì?

Pan có hệ sinh thái công ty con khá đa dạng và có nhiều lợi thế so với doanh nghiệp cùng ngành.

NSC là nhà sản xuất giống lớn nhất tại Việt Nam với 21% thị phần, và là một trong số ít công ty có nền tảng R&D mạnh - cho phép NSC tạo ra các loại giống mới để giành thị phần. Với đóng góp cao từ giống bản quyền (hiện chiếm 70% tổng doanh thu giống lúa và có thể đạt 90% trong tương lai), NSC có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn so với các công ty cùng ngành. Công ty đặt mục tiêu đạt 25% thị phần và doanh thu 4.000 tỷ đồng cho tới năm 2025 (so với 1.900 tỷ đồng trong 2021).

SSI Research: Hệ sinh thái có nhiều điểm sáng, lợi nhuận PAN có thể tăng 71% trong năm 2022 - Ảnh 2.

VFG là nhà phân phối thuốc BVTV lớn thứ hai tại Việt Nam với thị phần 12%, và công ty có thể giành thêm thị phần sau khi đối thủ cạnh tranh LTG mất quyền phân phối độc quyền sản phẩm Syngenta. VFG đặt mục tiêu đạt 15% thị phần trong vòng 3 năm tới và 20% thị phần trong vòng 5-7 năm tới. VFG có mạng lưới rộng với ~5,000 đại lý và kết nối với khoảng ~300 nông dân chủ chốt, giúp công ty lan tỏa cách thức sử dụng thuốc BVTV và trổng trọt bền vững để nâng cao chất lượng.

Do các công ty con của PAN liên kết chặt chẽ với nông dân và cung cấp cho nông dân vật tư nông nghiệp đầu vào (giống và thuốc BVTV) chất lượng cao trong suốt thời gian canh tác nên sản phẩm gạo của công ty vượt trội về chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc, giúp công ty đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe sang thị trường EU và Hoa Kỳ.

FMC có công nghệ nuôi tôm giúp đạt được tỷ lệ sống của tôm cao hơn và có thể mua thức ăn thủy sản và tôm nguyên liệu từ CP với giá chiết khấu. Với lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trong thời gian tới FMC sẽ tập trung nhiều hơn vào thị trường xuất khẩu chủ chốt là Nhật Bản (chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2021) trong tương lai, do mức cạnh tranh từ thị trường này ít gay gắt hơn, giá bán bình quân cao hơn do Nhật Bản ưa chuộng các sản phẩm giá trị gia tăng, và chi phí vận chuyển thấp hơn.

Với khả năng tự cung cấp 100% nguyên liệu cá, ABT có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ về cả kiểm soát chi phí và chất lượng cá nguyên liệu. Chiến lược của công ty là tập trung vào việc tăng doanh thu bán các sản phẩm cá tra chế biến sẵn và có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và duy trì mức biên lợi nhuận gộp cao trong tương lai.

Các công ty con LAF và 584 NT tập trung vào thị trường hạt cao cấp, trái cây sấy khô và nước mắm, và những công ty này có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao nếu hoạt động R&D mang lại kết quả.

Mức tiêu thụ bánh kẹo bình quân đầu người ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Công ty con của PAN là BBC đặt mục tiêu chiến lược tập trung vào các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, và chiến lược này đã cho thấy những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn.



A.Vũ
Cùng chuyên mục