IDI tăng trưởng chục lần trong quý III, lãi ròng gần 100 tỷ đồng

01/11/2022 09:47 GMT+7
I.D.I báo lãi quý III đạt gần 100 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, lợi nhuận công ty mẹ đạt 95,2 tỷ đồng, tăng 10 lần so với cùng kỳ 2021.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia I.D.I (HoSE: IDI) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2022 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ đạt 1.964 tỷ đồng, tăng 76,8% so với cùng kỳ; gián vốn tăng 72,5% nên lợi gộp đạt 220,3 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 25,7% lên gần 30 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí khá cao với 57 tỷ đồng, trong đó gần 58 tỷ đồng là chi phí lãi vay.

Chi phí bán hàng tăng 40% lên 63,6 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 156% lên 19,7 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 60,6% xuống hơn 3 tỷ đồng.

Kết quả, I.D.I báo lãi quý III đạt gần 100 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, lợi nhuận công ty mẹ đạt 95,2 tỷ đồng, tăng 10 lần so với cùng kỳ 2021.

IDI tăng trưởng chục lần trong quý III, lên gần 100 tỷ đồng - Ảnh 1.

Báo cáo tài chính quý III/2022 của IDI

Lũy kế 9 tháng, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 534 tỷ đồng, lần lượt tăng 44,3% và 9,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu từ sản phẩm cá tra và bột cá, mỡ cá vẫn là nguồn thu chủ yếu của doanh nghiệp, lần lượt mang về cho công ty 2.834 tỷ đồng và 2.289 tỷ đồng trong 9 tháng.

Năm 2022, IDI lên mục tiêu doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 900 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng doanh nghiệp đã thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu và 59% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tổng tài sản của IDI tính tới ngày 30/9/2022 đạt 8.397 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm; tài sản ngắn hạn chiếm 70,3% với 5.905 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền tăng 93,5% lên hơn 690 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm nhẹ so với đầu năm xuống 920,5 tỷ đồng; phải thu về cho vay ngắn hạn tăng 9,2 lần lên 290 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 6% lên 1.359 tỷ đồng; tài sản dài hạn tăng 22% lên 2.492 tỷ đồng; xuất hiện khoản phải thu về cho vay dài hạn với 15,3 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 14,7% lên 5.060 tỷ đồng; nợ ngắn hạn tăng 18% lên 4.854 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn tăng 115% lên 523 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn biến động không đáng kể với 3.680 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên 3.337 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán Mirae Asset, chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng nhờ nhu cầu cao của thị trường thế giới trong bối cảnh hậu Covid-19 và chiến tranh Nga - Ukraine dẫn đến nguồn cung cá thịt trắng đến Mỹ, châu Âu bị thiếu hụt.

Cuối tháng 6, giá cá tra xuất khẩu trung bình của Việt Nam giảm nhẹ xuống 2,93 USD/kg sau khi đạt đỉnh điểm 3,03 USD/kg trong tháng trước đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá cá tra xuất khẩu có thể sẽ sớm tăng trở lại vì thực tế sản lượng cả nước năm 2022 chỉ tăng dưới 10% so với cùng kỳ trong khi đó lượng xuất khẩu 6 tháng tăng vượt 25% so với cùng kỳ. Dự tính những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt nguồn cá nguyên liệu do sức cầu vẫn lớn và các hộ nuôi cá không tăng diện tích nuôi do thận trọng.

Hiện tại vùng nuôi cá tra liên kết của IDI có tổng điện tích 350 ha tại tỉnh Đồng Tháp. Vùng nuôi liên kết rộng lớn này giúp đảm bảo 85% - 90% tổng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho 2 nhà máy chế biến (tổng công suất 450 tấn cá/ngày). IDI còn chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy chế biến số 3, nâng tổng công suất chế biến từ 450 tấn nguyên liệu/ngày lên mức 900 tấn/ngày để đón đầu nhu cầu cao năm 2023 và đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn 2023 - 2025.


An Vũ
Cùng chuyên mục