Ngấm đòn từ Donald Trump, GDP Trung Quốc chỉ tăng 6% trong quý III

18/10/2019 11:39 GMT+7
Chính quyền Tập Cận Bình vừa công bố dữ liệu quý III/2019, cho thấy tăng trưởng GDP của nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 6%, mức thấp nhất trong vòng 27 năm qua.
Ngấm đòn từ Donald Trump, GDP Trung Quốc chỉ tăng 6% trong quý III - Ảnh 1.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý III/2019 thấp nhất trong hơn 27 năm

Các nhà phân tích Reuters trước đó dự đoán tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc có thể đạt 6,1%, nhưng con số thực tế đã tồi tệ hơn dự đoán. Hồi quý II/2019, tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 6,2%. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có vẻ như đang đối mặt với tình trạng giảm tốc trầm trọng do ngấm đòn thương chiến Mỹ - Trung.

Vishnu Varathan, quản lý bộ phận kinh tế và chiến lược khu vực Châu Á Thái Bình Dương của ngân hàng Mizuho nhận định rằng: “So với mức tăng trưởng 6,8% hồi quý I/2018, GDP Trung Quốc đang suy yếu mạnh mẽ do hệ quả của thắt chặt tín dụng và xung đột thương mại với Mỹ”.

“Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang chứng kiến một sự suy thoái nghiêm trọng” - Vishnu Varathan.

Mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong gần 3 thập kỷ này vẫn nằm trong khuôn khổ mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Bắc Kinh đề ra trong năm 2019. 

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bo Zhuang từ TS Lombard đã cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục trì trệ trong 2 quý tiếp theo. Ông Zhuang dự kiến tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể chỉ còn 5,8% trong quý IV/2019 và thậm chí còn thấp hơn nữa vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, Trung Quốc chấp nhận thực trạng đó trong bối cảnh thương chiến Mỹ Trung kéo dài.

Một điều đáng lo ngại hơn nữa, nhiều chuyên gia nước ngoài bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực của các dữ liệu kinh tế Trung Quốc mà chính quyền Tập Cận Bình công bố, trong đó có tăng trưởng GDP. Theo các nhận định này, mức tăng GDP thực tế của Trung Quốc có thể không đạt đến 6% như nước này công bố, bởi thực trạng kinh tế Trung Quốc gần đây không cho thấy những tín hiệu lạc quan.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này trong quý III/2019 cho thấy sự suy yếu đáng kể, khi mà xung đột thương mại với Mỹ leo thang và Mỹ quyết định áp thêm thuế quan 15% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại. Chính quyền Tập Cận Bình cũng tỏ ra cứng rắn khi quyết định trả đũa thuế quan và thậm chí còn đe dọa đưa công ty Mỹ vào danh sách đen.

Cho đến thời điểm này, Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa của đối phương, gây ra những hệ lụy suy thoái trên toàn nền kinh tế. Nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc có vẻ đang gánh hậu quả nặng nề hơn, khi mà kinh tế Mỹ vẫn chứng kiến mức tăng trưởng ổn định với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất mọi thời đại. 

Hôm 10-11/10 qua, vòng đàm phán thương mại Mỹ Trung đã diễn ra thành công tại Washington, khi hai nước bước đầu nhất trí thông qua thỏa thuận giai đoạn 1. Theo nội dung thỏa thuận, Trung Quốc cam kết sẽ nhập khẩu 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ và điều chỉnh lại các thể chế sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính… Đổi lại Mỹ đình chỉ kế hoạch tăng thuế với 250 tỷ USD hàng hóa dự kiến có hiệu lực hôm 15/10. Theo Tổng thống Donald Trump, thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ được văn bản hóa trong 3 tuần kể từ sau đàm phán. 

Tuy nhiên mới đây, hôm 17/10, phía Trung Quốc bất ngờ ra điều kiện yêu cầu Mỹ loại bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan nếu muốn Bắc Kinh ký vào thỏa thuận cuối cùng. Động thái này đang có nguy cơ khiến căng thẳng thương mại leo thang và xung đột Mỹ Trung kéo dài, đưa nền kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF mới đây đã đưa ra cảnh báo thương chiến Mỹ Trung có thể lấy đi 700 tỷ USD từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bằng với quy mô nền kinh tế Thụy Sĩ. IMF còn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống chỉ còn 6,1% trong năm 2019 và 5,8% trong năm 2020. 

Cũng theo nhận định của IMF, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải phải gánh chịu tổn thương nặng nề nhất trong xung đột thương mại Mỹ Trung; với sản lượng sản xuất giảm 2% trong ngắn hạn và 1% trong dài hạn. Tất nhiên, kinh tế Mỹ cũng phải gánh chịu những tổn thất, nhưng mức thiệt hại theo ước tính của IMF chỉ rơi vào khoảng 0,6% sản lượng trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục