IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nhận định Bắc Kinh thua lớn trong thương chiến
Cụ thể, IMF dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2019 chỉ đạt 6,1% và sẽ giảm xuống mức 5,8% trong năm 2020. Con số này vẫn nằm trong mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% do Bắc Kinh đặt ra hồi đầu năm trong bối cảnh nền kinh tế đại lục gánh chịu áp lực nặng nề từ mức thuế quan của Mỹ.
Song song với dự báo kinh tế Trung Quốc, IMF đồng thời cắt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống còn 3%, mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đáng chú ý hơn, đây là lần thứ 5 liên tiếp IMF phải hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh những rủi ro chiến tranh thương mại và địa chính trị trên khắp thế giới.
“Triển vọng kinh tế toàn cầu đang bấp bênh hơn bao giờ hết. Với mức dự đoán tăng trưởng 3%, không có chỗ cho những sai lầm chính sách lúc này. Nhu cầu cấp thiết nhất của các nhà hoạch định chính sách hiện nay là hợp tác làm giảm nhiệt các vấn đề căng thẳng thương mại và địa chính trị” - trích lời chuyên gia kinh tế Gita Gopinath từ IMF. “Nguy cơ giảm phát đang được nâng cao. Các rào cản thương mại và căng thẳng địa chính trị bao gồm Brexit leo thang có thể phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, cản trở niềm tin tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và tăng trưởng kinh tế”.
Dự báo về triển vọng kinh tế trong tương lai, IMF cũng hạ dự đoán tăng trưởng năm 2020 xuống còn 3,4%, tức giảm 0,1% so với mức dự đoán hồi đầu năm.
Quỹ tiền tệ Quốc tế thậm chí đưa ra ước tính các mức trừng phạt thuế quan do chiến tranh thương mại Mỹ Trung có thể sẽ làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế toàn cầu tới 0,8%, tương đương mất đi 700 tỷ USD. Một ước tính khác của IMF thì chỉ ra thuế quan trung bình mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng tới 24% vào tháng 12, trong khi mức thuế trung bình mà Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ sẽ đạt tới 26%.
IMF còn bày tỏ quan ngại về việc nền kinh tế thế giới đang phụ thuộc quá mức vào các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng. “Chính sách tiền tệ không phải là công cụ duy nhất của các Chính phủ. Nó nên được sử dụng kết hợp với những công cụ hỗ trợ tài chính khác trong những không gian tài chính mà các chính sách chưa quá bành trướng” - chuyên gia Gopinath nhận định. Một ví dụ cụ thể, là Đức có thể sử dụng chính sách lãi suất âm để tăng cường dòng vốn đầu tư.
Cũng theo dự kiến của IMF, Trung Quốc là nền kinh tế phải gánh chịu tổn thương nặng nề nhất trong xung đột thương mại Mỹ Trung. IMF dự báo sản lượng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm 2% trong ngắn hạn và 1% trong dài hạn. Tất nhiên, Mỹ cũng phải gánh chịu những tổn thương, nhưng mức thiệt hại chỉ rơi vào khoảng 0,6% sản lượng trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế Mỹ duy trì ổn định ở mức 2,4% trong năm 2019 (giảm nhẹ từ mức tăng 2,5% hồi 2018) và 2,1% trong năm 2020.
Ngoài Trung Quốc, IMF còn hạ cấp dự báo tăng trưởng ở một số nền kinh tế lớn của Châu Á bao gồm Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore; do tác động trực tiếp với sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc cũng như những ảnh hưởng sâu sắc từ thương chiến Mỹ Trung.
Các quan chức Quỹ tiền tệ Quốc tế còn lo ngại sự suy yếu trong lĩnh vực sản xuất và thương mại toàn cầu đang lan dần sang lĩnh vực dịch vụ, vốn vẫn duy trì tăng trưởng ổn định trước đó.
Trong một diễn biến khác, đàm phán thương mại Mỹ Trung đang đứng trước triển vọng lạc quan hơn bao giờ hết sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hai phái đoàn đã nhất trí giai đoạn 1 của thỏa thuận. Dù thông tin Bắc Kinh đòi đàm phán bổ sung đang khiến thị trường lo ngại, thì không thể phủ nhận việc Mỹ đồng ý đình chỉ mức tăng thuế lên 30% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chắc chắn là dấu hiệu đáng lạc quan với thị trường.
Khủng hoảng Brexit tại Anh cũng đang có xu hướng giảm nhiệt, sau khi thông tin từ Bloomberg hôm 14/10 cho hay Anh đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận ly khai Liên minh Châu Âu, làm dịu lại những quan ngại Brexit trong hỗn loạn.
Tuy nhiên, rủi ro tiềm tàng từ đàm phán thương mại Mỹ Trung leo thang trở lại hay căng thẳng chính trị tại Hồng Kông và xung đột Mỹ - Iran...vẫn có nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung nếu những bất ổn tiếp tục kéo dài.