Indonesia: Lệnh cấm xuất khẩu than “xóa sổ” thặng dư thương mại tháng 1
Trước đó vào ngày đầu tiên của năm dương lịch 2022, chính phủ Indonesia đã bất ngờ thông báo đình chỉ đối với tất cả các hoạt động xuất khẩu than do lượng nhiên liệu tồn kho tại các nhà máy điện trong nước quá thấp.
Tuy các lô hàng đã được phép trở lại xuất khẩu dần từ ngày 10 tháng 1, nhưng lệnh cấm vẫn còn hiệu lực đối với những người khai thác không tuân thủ các yêu cầu bán hàng trong nước.
Theo Bộ Năng lượng Indonesia, chỉ những nhà sản xuất than đã tuân thủ đầy đủ Nghĩa vụ thị trường trong nước (DMO) thì mới được tiếp tục xuất khẩu than. DMO quy định rằng các nhà khai thác than phải đảm bảo bán đủ lượng than nhất định cho thị trường nội địa hoặc trả tiền phạt, thì mới được cấp phép xuất khẩu.
Theo DMO, tất cả công ty khai thác đều phải bán một phần tư sản lượng của họ tại địa phương, với mức giá không cao hơn 70 USD/tấn đối với nhà máy điện.
Với quy định nghiêm ngặt, chỉ có khoảng 171 công ty khai thác đã được phê duyệt để tiếp tục xuất khẩu trở lại trong tổng số 600 công ty khai thác than ở Indonesia.
kể từ tháng 5 năm 2020, quốc đảo giàu tài nguyên Indonesia đã ghi nhận thặng dư thương mại hàng tháng nhờ xu hướng giá hàng hóa quốc tế tăng khi các nước dỡ bỏ các hạn chế COVID-19. Và than là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu và hàng đầu của Indonesia.
Vì vậy, từ khi lệnh hạn chế xuất khẩu được áp dụng từ đầu năm 2022, giới chuyên gia dự đoán thặng dư thương mại tháng 1 của nước này sẽ chỉ còn 190 triệu USD, mức thấp nhất của Indonesia trong 21 tháng. Đây cũng là mức thặng dư quá nhỏ so với thặng dư đạt 1 tỷ đô la trong tháng 12 và thặng dư thương mại trung bình hàng tháng là 3,9 tỷ đô la trong sáu tháng qua của Indonesia.
Theo kết quả cuộc thăm dò tháng 1/2022, dự đoán tăng trưởng xuất khẩu của nước này cũng sẽ chậm lại còn 33,86%/tháng trong năm nay, từ mức 35,30%/tháng của năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 51,38%/tháng, so với mức 47,93% của tháng 12/2021.
Các nhà phân tích cũng nhận định việc cấm xuất khẩu cũng ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung than thế giới và đẩy giá than lên ngưỡng cao. Hiện tại, giá than quốc tế đang ở mức 240 USD/tấn, tương đương mức tăng trưởng +14% kể từ đầu năm 2022.
Ngân hàng Mandiri - ngân hàng lớn nhất ở Indonesia tính theo tổng tài sản, ước tính lệnh cấm xuất khẩu đã làm mất đi khoảng 1 tỷ đô la trong lợi nhuận xuất khẩu của quốc gia này.
Đồng thời, ngân hàng cũng cho rằng thặng dư thương mại hàng hóa của Indonesia dự kiến sẽ giảm trong năm nay, với nhu cầu trong nước tăng lên khi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á phục hồi sau đại dịch và giá hàng hóa sẽ được bình thường hóa vào cuối năm.