Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ: Huawei hy vọng 'hồi sinh' quan hệ với Washington
Cụ thể, ông Paul Scanlan, giám đốc công nghệ tại Huawei Carrier Business Group tiết lộ với CNBC rằng Huawei mong chờ cơ hội tái thiết lập các mối quan hệ “khi có sự thay đổi trong chuyển giao chính phủ”. Huawei Carrier Business Group là tập đoàn chi nhánh của Huawei, tập trung hoạt động trong mảng phát triển, triển khai phủ sóng mạng 5G.
Trước đó, hồi tháng 8, chính quyền Trump đã công bố hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei, trong đó có chip dùng trong bộ vi xử lý thiết bị mạng 5G. Đây là một trong những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm chống lại Huawei, tập đoàn bị chính quyền Trump cáo buộc gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho Mỹ.
Ông Paul Scanlan cho hay: “Tất nhiên dưới thời chính quyền trước đây, chúng tôi (Huawei) đã gặp nhiều thách thức”. Nhưng ông cho biết Huawei đã “vượt qua những thách thức đó” để duy trì quan hệ ổn định với các khách hàng và nhà cung cấp.
Ông Scanlan cũng nhấn mạnh rằng bất chấp những thách thức này, Huawei vẫn lạc quan rằng hai bên có thể giải quyết những xung đột. “Chúng tôi hoan nghênh các cuộc đối thoại lớn” với chính phủ Mỹ nhằm “mang lại sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, sau đó là hợp tác làm ăn”.
Không thể phủ nhận các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây áp lực lớn đến hoạt động kinh doanh của Huawei. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Huawei báo cáo tổng doanh thu đạt 671,3 tỷ NDT (98,57 tỷ USD), tăng 9,9% so với mức 610,8 tỷ NDT đạt được cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng chậm đáng kể so với tốc độ tăng trưởng doanh thu những năm qua của Huawei. 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu hãng này tăng mạnh 24,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận ròng doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm cũng giảm từ mức 8,7% trong năm ngoái xuống 8% trong năm 2020.
Trước lời kêu gọi từ Nhà Trắng, nhiều quốc gia đồng minh Mỹ bao gồm Thụy Điển, Pháp và Anh đã cấm Huawei tham gia dự án phủ sóng 5G quốc gia do các quan ngại an ninh. Trong khi đó, Huawei liên tục phủ nhận những cáo buộc này.
CEO Scanlan nhấn mạnh Huawei hiện đã cởi mở hơn trong các giao dịch với mọi chính phủ trên toàn cầu, đồng thời cho hay nếu các chính phủ “muốn kiểm định sản phẩm thì chúng tôi có thể công khai mọi thành phần bên trong thiết bị”.
“Họ có thể đưa các chuyên gia đến hoặc chúng tôi mang sản phẩm của mình đến. Chúng ta sẽ ngồi lại với nhau và chứng minh rằng thiết bị của Huawei là đáng tin cậy”.
Trước đó, Huawei đã buộc phải lên kế hoạch bán thương hiệu smartphone giá rẻ Honor cho một tập đoàn do nhà phân phối thiết bị di động Digital China và chính quyền Thâm Quyến hậu thuẫn. Kế hoạch bán thương hiệu Honor được đưa ra trong bối cảnh các hạn chế thương mại của chính phủ Mỹ buộc nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới phải lựa chọn con đường cay đắng: chỉ tập trung vào dòng smartphone cao cấp.