Khánh Hòa: Chi tiết chỉ tiêu chuyển đổi 339,5 ha từ đất lúa sang trồng cây hàng năm khác
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định ban hành Kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa tỉnh Khánh Hòa năm 2023.
Theo đó, năm 2023, toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ chuyển đổi 339,5 ha từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác. Trong đó, chuyển đổi 92,6 ha cây trồng trên đất lúa 2 vụ và 246,9 ha trên đất lúa 1 vụ.
Cụ thể, toàn huyện Vạn Ninh chuyển đổi 49,5 ha (trong đó, chuyển đổi 19,5 ha cây trồng trên đất lúa 2 vụ và 30 ha trên đất lúa 1 vụ). Toàn thị xã Ninh Hòa chuyển đổi 248,5 ha (trong đó, chuyển đổi 50,1 ha cây trồng trên đất lúa 2 vụ và 198,4 ha trên đất lúa 1 vụ). Toàn huyện Diên Khánh chuyển đổi 6 ha (trong đó, chuyển đổi 4 ha cây trồng trên đất lúa 2 vụ và 2 ha trên đất lúa 1 vụ). Toàn huyện Khánh Vĩnh chuyển đổi 5ha trên đất lúa 2 vụ sang trồng cây hàng năm khác.
Việc chuyển đổi nhằm chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu liên kết chuỗi giá trị phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đối với việc chuyển đổi cây trồng này, UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, giải pháp về chính sách là giải pháp hết sức quan trọng. Ngoài việc thực hiện các hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng đảm bảo có hiệu quả; định kỳ 6 tháng báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện.
Tập trung đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả trong quá trình thực hiện kế hoạch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm phục vụ tốt cho sản xuất.
Chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung rà soát, nâng cấp hệ thống thủy lợi, kênh mương đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các diện tích cây trồng được chuyển đổi; hướng dẫn áp dụng, nhân rộng các mô hình, phương pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nhằm sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước tưới, đồng thời nâng cao năng suất của các loại cây trồng tại các diện tích được chuyển đổi. Tham mưu triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh nhằm đảm bảo thực hiện tốt và có hiệu quả kế hoạch.