Thêm 118 ứng dụng bị Ấn Độ cấm cửa, Trung Quốc phản ứng nóng

03/09/2020 17:36 GMT+7
Lệnh cấm gần nhất của Ấn Độ với 118 ứng dụng Trung Quốc bao gồm game mobile đình đám PUBG của Tencent và công cụ tìm kiếm Baidu, ứng dụng thanh toán i động Alipay của Ant Group mới đây được xem là “đòn trả đũa kinh tế” mới nhất khi căng thẳng biên giới trung Ấn tiếp tục nóng lên.
Thêm 118 ứng dụng bị Ấn Độ cấm cửa, Trung Quốc phản ứng nóng - Ảnh 1.

Thêm 118 ứng dụng Trung Quốc bị cấm tại Ấn Độ khi xung đột biên giới Trung Ấn nóng lên trong tuần này

Trong một tuyên bố hôm 2/9, Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ ra quyết định cấm thêm 118 ứng dụng Trung Quốc. Bên cạnh những cái tên đình đám như PUBG, Baidu, Alipay, lệnh cấm này còn nhằm đến nhiều ứng dụng nổi tiếng như game mobile MARVEL Super War của NetEase, ứng dụng thương mại điện tử Taobao của Alibaba, nền tảng phát video Youku, ứng dụng hẹn hò Tantan và nền tảng phát trực tiếp hàng đầu Trung Quốc Huya.

Theo Bộ này, lệnh cấm được đưa ra với các ứng dụng nói trên là do “có thông tin cho thấy chúng tham gia vào các hoạt động gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng và an ninh của nhà nước Ấn Độ”.

“Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin đã nhận được nhiều khiếu nại từ các nguồn khác nhau, trong đó có một số báo cáo về hiện tượng lạm dụng một số ứng dụng di động trên các nền tảng Android và iOS để lấy cắp và truyền dữ liệu người dùng trái phép đến các máy chủ đặt bên ngoài Ấn Độ” - các nhà chức trách Ấn Độ nói thêm. Trước đó, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng Trung Quốc bao gồm TikTok, WeChat hồi tháng 6, ngay sau cuộc đụng độ biên giới Trung - Ấn gần khu vực dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Quyết định cấm thêm 118 ứng dụng Trung Quốc được đưa ra sau khi tờ Bloomberg tuần này đưa tin căng thẳng biên giới Trung Ấn lại leo thang. Theo nguồn tin này, hàng nghìn binh sĩ Ấn Độ đã chiếm được một vùng đất cao gần khu tranh chấp biên giới với Trung Quốc trong một chiến dịch công kích vào ban đêm. Đây được xem là động thái tấn công đầu tiên của Ấn Độ kể từ khi xung đột bắt đầu hồi tháng 5.

Hôm 3/9, phản ứng lại các động thái mới nhất của Ấn Độ, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ sự “quan ngại và phản đối mạnh mẽ” với lệnh cấm 118 ứng dụng mới đây.

“Lạm dụng các luận điệu về an ninh quốc gia, Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử, hạn chế cấm vận các công ty Trung Quốc. Điều này đã vi phạm các quy tắc liên quan của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO… Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ chấn chỉnh ngay lập tức các hành vi sai trái này. Hợp tác kinh doanh giữa Trung Quốc và Ấn Độ là kịch bản đôi bên cùng có lợi”.

Liuqing Yu, một nhà phân tích thuộc Đơn vị Tình báo Kinh tế (The Economist Intelligence Unit) ở Singapore nhận định lệnh cấm 118 ứng dụng mới nhất của Ấn Độ báo hiệu rằng tất cả các ứng dụng Trung Quốc đang không được chào đón ở Ấn Độ. 

Bên cạnh việc đưa thêm các ứng dụng mới vào lệnh cấm, chính phủ Ấn Độ cũng tận dụng lệnh cấm mới nhất để bịt các lỗ hổng mà lệnh cấm hồi tháng 6 còn để lại. Ví dụ, đưa thêm vào danh sách cấm các ứng dụng biến thể của WeChat như WeChat Work.

Đa số các nhà quan sát đồng ý rằng các động cơ phía sau lệnh cấm mới này dường như đang vượt ra ngoài mối quan ngại về an ninh quốc gia và quyền bảo mật dữ liệu riêng tư mà New Delhi trích dẫn. 

Dev Lewis, một thành viên thuộc Tổ chức tư vấn Digital Asia Hub có trụ sở tại Hồng Kông cho hay: “Chính phủ Ấn Độ đang sử dụng một phần đạo luật sở hữu trí tuệ - một loại điều khoản an ninh quốc gia - để mang lại cho họ quyền tùy ý chặn các ứng dụng này. Tuy nhiên, trên thực tế, Ấn Độ không có bất kỳ điều luật nào liên quan đến bảo mật dữ liệu. Do đó, không có phạm vi cụ thể nào để thực hiện các lệnh cấm như vậy”.

Daniel Ahmad, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn trò chơi Niko Partners thì chỉ ra rằng một số ứng dụng vẫn lọt vào danh sách cấm dù họ đã nỗ lực giải quyết các mối quan ngại bảo mật dữ liệu trước đó. “Một số công ty như Tencent đã hành động từ tháng 7 để chứng minh với các nhà quản lý bằng cách đặt máy dủ trò chơi PUBG Mobile ở Ấn Độ và đảm bảo tất cả dữ liệu được lưu trữ cục bộ. Ứng dụng Yoozoo Ấn Độ cũng thực hiện lưu trữ dữ liệu tại Ấn Độ từ lâu. Tuy nhiên, cả 2 ứng dụng đều bị cấm trong lệnh cấm vừa qua”.

Lệnh cấm cũng góp phần ngăn chặn sự mở rộng hoạt động của các công ty công nghệ Trung Quốc tại Ấn Độ, đồng thời buộc các nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc phải loại bỏ dần các khoản đầu tư của họ vào thị trường khởi nghiệp Ấn Độ, ông Liuqing Yu nói thêm. “Các nhà cung cấp dịch vụ Internet Trung Quốc sẽ rất khó tiếp tục mở rộng hoạt động ở thị trường Ấn Độ trong bối cảnh hiện nay”.

Vey-Sern Ling, một nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence thì quan ngại lệnh cấm mới từ Ấn Độ có khả năng thúc đẩy các hành động trả đũa từ chính phủ Bắc Kinh. “Ngày càng có nhiều khả năng chính quyền Trung Quốc buộc phải phản ứng, có thể bằng cách áp đặt thêm hàng rào thuế quan và phi thuế quan với hàng xuất khẩu… Việc nhắm mục tiêu vào hàng xuất khẩu sang Ấn Độ sẽ không tạo thêm nhiều gánh nặng cho các doanh nghiệp Trung Quốc”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục