Khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, Úc xuất hàng sang nhiều thị trường mới

03/06/2021 16:00 GMT+7
Khi Trung Quốc áp đặt các lệnh hạn chế với hàng hóa xuất khẩu của Úc, Úc đang tìm kiếm những thị trường mới cho sản phẩm trong nước.

Căng thẳng giữa các quốc gia đã tăng vọt trong những tháng qua sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc Covid-19. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã đưa ra hàng loạt động thái đáp trả bao gồm áp thuế bán phá giá yến mạch Úc lên tới 80,5%, đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ hai công ty chế biến thịt hàng đầu đất nước. Tiếp sau đó, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc như gỗ, than… cũng gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của các mặt hàng Úc bị Bắc Kinh nhắm mục tiêu ước tính khoảng 25 tỷ USD vào thời điểm năm 2019, tương đương 1,3% tổng sản phẩm quốc nội của Úc, theo viện Lowy.

Úc là một trong số ít những quốc gia phát triển trên thế giới có thặng dư thương mại với Trung Quốc. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, do đó các nhà phân tích cho rằng Úc có khả năng gánh chịu thiệt hại nặng nề do các lệnh hạn chế mà Trung Quốc áp đặt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng song phương không có dấu hiệu hạ nhiệt, Úc đang tìm cách hạn chế thiệt hại bằng cách tìm kiếm các thị trường xuất khẩu tiềm năng khác.

Khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, Úc xuất hàng sang nhiều thị trường mới - Ảnh 1.

Khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, Úc xuất hàng sang nhiều thị trường mới

“Trong khi Trung Quốc muốn chơi trò chơi trên cơ sở cơ chế thị trường, chúng ta có cơ hội đưa sản phẩm chất lượng cao của mình đến các thị trường khác” - Bộ trưởng Nông nghiệp Úc David Littleproud trả lời tờ CNBC hồi cuối tháng 3. Bình luận được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc chính thức áp thuế từ 116% đến 218% lên mặt hàng rượu vang có xuất xứ từ Úc trong vòng 5 năm tới. Mức thuế xuất phát từ một cuộc điều tra về hiện tượng bán phá giá rượu vang Úc của các cơ quan chức năng Trung Quốc hồi năm ngoái. 

Roland Rajah, nhà kinh tế hàng đầu tại Viện Lowy cho biết: “Xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc có thể bị suy giảm do các lệnh trừng phạt, nhưng phần lớn dòng thương mại này dường như đã tìm thấy các thị trường mới”.

Nhìn chung, xuất khẩu của Úc bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế của Trung Quốc - ngoại trừ than. Than là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc.

“Các nhà xuất khẩu than của Úc dường như đã khá thành công trong việc chuyển hướng sang các thị trường khác” - ông Rajah cho biết trong một ghi chú gần đây. “Xuất khẩu sang các thị trường khác ban đầu tăng do Trung Quốc lần đầu tiên giảm nhập khẩu than vào khoảng giữa năm. Xu hướng này càng tăng nhanh khi Trung Quốc nhắm mục tiêu cụ thể vào mặt hàng than Úc bắt đầu từ tháng 10/2020 ”

Vào tháng 1/2021, xuất khẩu than của Úc sang phần còn lại của thế giới đã tăng 9,5 tỷ USD về giá trị so với thời điểm trước khi có lệnh cấm. 

Marcel Thieliant, nhà kinh tế cấp cao của Australia và New Zealand, cũng đồng tình với nhận định này.

Trong khi xuất khẩu quặng phi sắt của Úc sang Trung Quốc đã giảm 40% trong năm qua, “Các công ty khai thác than đã nhanh nhạy xuất khẩu hàng của họ sang những thị trường khác. Kết quả là cuộc xung đột không gây thiệt hại quá lớn cho nền kinh tế Úc như nhiều người nhận định”.

Không riêng than, ông Rajah cho biết các mặt hàng xuất khẩu khác của Úc chịu ảnh hưởng bởi những hạn chế từ Trung Quốc cũng đang chứng kiến những dấu hiệu rõ ràng về sự chuyển hướng thương mại. Chẳng hạn lúa mạch, bông, hải sản, gỗ…

“Doanh số bán những sản phẩm này sang các thị trường khác đã tăng mạnh chỉ sau khi các lệnh trừng phạt của Trung Quốc tăng cường vào cuối năm 2020. Nhưng sự thay đổi mạnh mẽ báo hiệu đây thực sự là kết quả của dòng chuyển dịch thương mại.

Dù vậy, một số mặt hàng xuất khẩu của Úc vẫn gặp khó khăn do lệnh hạn chế của Trung Quốc là thịt bò và rượu vang. “Ngành công nghiệp rượu vang của Úc đã phải vật lộn để xoa dịu thiệt hại khi mất đi thị trường cao cấp Trung Quốc. Đầu năm nay, Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá đối với một số loại rượu vang của Úc sau cuộc điều tra cho rằng Úc đã bán phá giá và trợ cấp rượu vang xuất khẩu làm tổn hại đến ngành rượu nội địa của Trung Quốc”.

Một nguyên nhân khác khiến xuất khẩu thịt bò và rượu chậm lại có thể do vấn đề nguồn cung sau đợt hạn hán tại Úc gần đây.

Để giải quyết tình hình, Phó thủ tướng Úc Michael McCormack hồi tháng 5 đã tuyên bố về việc đa dạng hóa thị trường trước những hạn chế của Trung Quốc. Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Úc cũng cho biết sẽ yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới thành lập một hội đồng giải quyết tranh chấp về mức thuế bán phá giá lúa mạch mà Trung Quốc áp lên hàng hóa Úc.


NTTD
Cùng chuyên mục