Căng thẳng Trung - Úc: NĐT Trung Quốc rút hồ sơ dự thầu dự án BĐS triệu đô ở Úc

19/11/2020 16:43 GMT+7
Một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc mới đây vừa bất ngờ rút hồ sơ dự thầu trong dự án mua một tòa tháp văn phòng trị giá 58,5 triệu USD ở Sydney sau khi Ủy ban Đánh giá Đầu tư Nước ngoài của Úc (FIRB) trì hoãn việc phê duyệt thương vụ trong 8 tháng.
Căng thẳng Trung - Úc: NĐT Trung Quốc rút hồ sơ dự thầu dự án BĐS triệu đô ở Úc - Ảnh 1.

Căng thẳng Trung - Úc: NĐT Trung Quốc rút hồ sơ dự thầu dự án BĐS triệu đô ở Úc

Cụ thể, một nhóm các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc hồi cuối tuần trước đã rút hồ sơ dự thầu mua tòa tháp văn phòng 8 tầng tại số 191-199 Thomas Street ở Khu Phố Tàu (Sydney) sau thời gian dài không được Ủy ban Đánh giá Đầu tư Nước ngoài của Úc xét duyệt đơn đăng ký đầu tư nước ngoài .

Vince Kernahan, giám đốc thị trường vốn từ công ty bất động sản Colliers International, người giám sát thương vụ cho biết: “Thật đáng thất vọng với tất cả các bên liên quan sau chừng ấy thời gian và tiền bạc bị lãng phí (liên quan đến giao dịch này)”.

Dù động cơ là gì, việc hủy nhóm nhà đầu tư Trung Quốc hủy hồ sơ dự thầu đã làm dấy lên nhiều quan ngại trong ngành bất động sản Úc, một ngành vốn đón nhận lượng lớn các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát hiện tỏ ra quan ngại nguy cơ căng thẳng Trung - Úc lan sang mặt trận đầu tư, cụ thể là đầu tư nước ngoài vào bất động sản.

“Khoản đầu tư bất động sản này là một văn phòng thương mại không có yếu tố nhạy cảm. Tôi không hiểu tại sao FIRB không phản hồi sau tám tháng. Nếu thương vụ tòa nhà 191-199 Thomas Street không phải một sự cố cá biệt thì tôi cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến ngành bất động sản Úc” - ông Vince Kernahan nói thêm.

Các địa điểm như Thomas Street đang trở thành điểm đầu tư bất động sản phố biến của các nhà đầu tư Trung Quốc kể từ năm 2013 đến nay. Nhóm các nhà đầu tư cá nhân kể trên đã đệ trình đơn chờ phê duyệt quyền sở hữu nước ngoài từ tháng 3/2020 và chờ đợi suốt 6 tháng để nhận được phản hồi từ FIRB. Hết thời gian 6 tháng như quy định, họ tiếp tục chờ thêm 2 tháng nữa, tức đến tháng 11 vừa qua, trước khi quyết định đầu tư vào nơi khác, theo các nguồn tin thân cận.

Hồi tháng 3, Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg đã công bố thời gian xử lý mới đối với các đơn đăng ký đầu tư nước ngoài cùng hàng loạt thay đổi đáng kể với luật sở hữu nước ngoài của Úc nhằm bảo vệ các công ty bị mua lại trong đại dịch. Quy định mới được cho là có thể làm tăng đáng kể lượng hồ sơ mà FIRB phải giải quyết, dù cơ quan này chưa tiết lộ bất kỳ thông tin nào về khối lượng công việc.

Cũng có những đồn đoán rằng sự thay đổi pháp lý này nhắm trực tiếp vào các nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng phía Úc hiện chưa phản hồi. 

Stephen Kirchner, giám đốc thương mại và đầu tư tại Đại học Sydney nhận định dù không chắc thương vụ bất động sản Thomas Street vừa qua đổ bể có phải do căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Úc hay không, nhưng việc FIBR không phản hồi đơn đăng ký đầu tư nước ngoài là rất bất thường. “Tôi cho rằng nếu họ cần thêm thời gian, họ có lẽ đã đưa ra một quyết định lùi thời hạn phản hồi”.

Cho đến trước thương vụ tòa nhà văn phòng ở Thomas Street, ngành công nghiệp bất động sản của Úc vẫn được cho là không chịu tác động đáng kể từ cuộc xung đột thương mại Trung - Úc kéo dài suốt 7 tháng qua khi Bắc Kinh dẫn đầu hàng loạt động thái thương mại nhằm vào hàng nhập khẩu từ Úc. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xung đột được cho là do lời kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 mà Canberra đưa ra hồi tháng 4/2020.


NTTD
Cùng chuyên mục