Không mau lớn, doanh nghiệp nông nghiệp có thể thua ngay trên sân nhà
Theo số liệu thống kê của VCCI, tính đến năm 2018, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 9.235 doanh nghiệp. Chỉ tính số doanh nghiệp thành lập trong năm 2018 đã là 2.200 doanh nghiệp.
Đồng thời, theo đánh giá của Bộ NNPTNT thì doanh nghiệp lớn trong nước đang gia tăng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Đây là tín hiệu vui cho ngành kinh tế nông nghiệp trong nước.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), cho biết doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tập trung nhiều nhất tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm tới 30%).
Doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ nhiều thế mạnh tự nhiên vốn có trong nước như điều kiện thiên nhiên, khí hậu thuận lợi cho canh tác, phát triển nông nghiệp dẫn đến nguồn cung sản phẩm dồi dào cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Quy mô nhỏ - rào cản lớn của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Một số ngành hàng như thủy sản, cà phê, rau quả đã hình thành các chuỗi giá trị khá đồng bộ phục vụ cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam nhanh nhạy với xu hướng thị trường. Người lao động trong nước cần mẫn, chăm chỉ và có kỹ năng tốt trong sản xuất nông nghiệp.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị triển khai Hiệp định EVFTA về những cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn nhỏ lẻ, vừa yếu về tài chính, nguồn nhân lực quản trị điều hành doanh nghiệp, rất khó để hội nhập sâu rộng EVFTA.
Theo đó, số doanh nghiệp ngành nông nghiệp quy mô lao động từ 200 người trở lên chỉ chiếm 8% trong tổng số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong khi đó, số doanh nghiệp nhỏ, quy mô lao động từ 10 – 49 người chiếm tới 32%; rất khó để doanh nghiệp nhỏ có khả năng thay đổi thích ứng và tham gia xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước EU.
Một doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu trong ngành thủy sản cho hay: Hiện tại, doanh nghiệp, nông dân Việt Nam cần nhiều hơn nữa các kỹ năng, công nghệ, phương thức quản lý để đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Tuy nhiên, cái khó bó cái khôn, vấn đề quan trọng đầu tiên là nguồn tài chính thì doanh nghiệp không có được.
Doanh nghiệp nông nghiệp nếu không thay đổi để phát triển có thể thua đau ngay trên sân nhà.
Muốn vào được thị trường EU thì có nhiều vấn đề cần làm, trong đó tiên quyết vẫn là đầu tư công nghệ, máy móc, quản trị doanh nghiệp… ở lĩnh vực này.
“Doanh nghiệp muốn liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nuôi trồng, chế biến và phân phối thì phải có vốn. Nếu không có tiền thì đừng nói đến phát triển kinh doanh trong nước chứ nói gì đến xuất khẩu”, vị này nhấn mạnh.
Ông Đậu Tuấn Anh cũng cảnh báo, hiện nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới mạnh nhất vẫn là thủy sản, cà phê, hạt điều và rau củ nhiệt đới. Ngược lại nông sản chính doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gồm trứng, sữa, mật ong, thịt gà, lợn, bò, rau củ hàn đới.
"Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng không xây dựng lộ trình thay đổi cho phù hợp, có thể dẫn đến thua ngay trên sân nhà khi hàng rào thuế quan bị xóa bỏ…"; ông Tuấn Anh nói.