Không thể bán nước ô nhiễm dầu thu bộn tiền rồi nói "tôi là nạn nhân thiệt hại lớn nhất"
Vào chiều 17/10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà cung cấp cho TP.Hà Nội.
Tại cuộc họp báo, đại diện công ty Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho rằng, công ty đã áp dụng các biện pháp để đảm bảo chất lượng nước đầu vào đạt tiêu chuẩn. Công ty cũng đã thuê Trung tâm ứng phó sự cố để nạo vét, xử lý chất thải, đặc biệt là dầu để đảm bảo nguồn nước cho nhân dân.
Theo đại diện Viwasupco, chiều 16/10, trong cuộc họp khẩn UBND TP Hà Nội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật khẳng định chất lượng nước sông Đà đã đạt tiêu chuẩn, styren đã dưới chuẩn. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo nước mới chỉ phục vụ tắm rửa, vệ sinh", đại diện công ty Đầu tư nước sạch sông Đà nói.
Đối với câu hỏi trách nhiệm bồi thường và công ty có nợ người dân lời xin lỗi, đại diện nước sạch sông Đà nói: "Xin lỗi hay không sẽ chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng" và "Về thiệt hại, chúng tôi là nạn nhân lớn nhất. Mong thời gian tới công an Hòa Bình sẽ tìm ra thủ phạm".
Xung quanh vấn đề về trách nhiệm của Viwasupco và câu hỏi ai sẽ là người bồi thường thiệt hại cho người dân Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Thái (Giám đốc Công ty luật Quốc tế Hồng Thái và các Đồng nghiệp).
Thưa luật sư, ngay từ khi phát hiện ra sự cố ô nhiễm nguồn xảy ra ở Hà Nội, câu hỏi về trách nhiệm của Viwasupco đã được đặt ra. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chỉ nói "sẽ chờ kết luận của các cơ quan chức năng". Luật sư đánh giá thế nào về động thái này của Viwasupco?
Đây là một câu trả lời vô lương tâm và thiếu trách nhiệm! Ví dụ, giờ anh sản xuất một chiếc TV nhưng nhập linh kiện rởm từ nơi khác về để lắp ráp. Khi chiếc TV bị hỏng, khách hàng bắt đền thì anh không thể đổ lỗi cho nơi cung cấp linh kiện, rồi thoái thác không đền bù cho khách hàng.
Rõ ràng ở đây, giữa người dân và Viwasupco đang thực hiện một hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế là mua - bán nước. Người dân bỏ tiền ra mua nước sạch thì người bán là Viwasupco phải đảm bảo nguồn cung cấp của mình.
Đáng lưu ý hơn, Viwasupco bán một loại hàng hóa thiết yếu cơ bản nhất, quan trọng nhất cho sinh hoạt hằng ngày là nước sạch. Anh là doanh nghiệp bán hàng thì phải đảm bảo tất cả các điều kiện về công nghệ, nguồn cung để sản xuất hàng hóa đạt chất lượng. Vì thế, việc anh sản xuất hàng hóa thế nào, quy trình ra sao để đảm bảo hàng hóa trước khi bán ra phải nước phải sạch thì đó là vấn đề của anh.
Về cơ quan quản lý chỉ là người kiểm tra, giám sát anh có làm những việc như đánh giá nguồn nước, đảm bảo chất lượng trước khi bán ra hay không. Vì thế, không thể chấp nhận được việc anh chỉ làm đường ống rồi ngồi vểnh râu thu bộn tiền và nói "mình là nạn nhân", "chờ cơ quan chức năng kết luận" rồi mới thể hiện trách nhiệm.
Đặc biệt, không thể để việc xảy ra rồi, hàng triệu người dùng rồi mới chờ cơ quan chức năng lấy mẫu phẩm đi xét nghiệm xem có an toàn không mới đưa ra khuyến cáo! Trong khi việc xét nghiệm có khi mất hàng tuần trời thì lúc đó nếu có ảnh hưởng, bệnh tật thậm chí tử vong thì cũng đã xảy ra rồi.
Còn việc Viwasupco là nạn nhân của ai thì đó là vấn đề giữa họ và người gây ra. Họ hoàn toàn có thể yêu cầu người đó bồi thường cho mình chứ không liên quan đến người dân.
Từ những phân tích của luật sư, thì rõ ràng việc bán nguồn nước bị ô nhiễm là trách nhiệm của Viwasupco. Vậy người dân có thể khởi kiện công ty này không thưa luật sư?
Như tôi đã nói ở trên, đây là quan hệ kinh tế về việc mua bán nước sạch. Người dân phải bỏ tiền để chi trả cho dịch vụ của mình vì thế họ có quyền được hưởng một dịch vụ hay mua một sản phẩm an toàn cho bản thân. Tuy nhiên, Viwasupco không đảm bảo chất lượng hàng hóa trước khi đến tay khách hàng thì người mua hoàn toàn có thể khởi kiện. Theo tôi, ở đây rõ ràng công ty này đang bán hàng giả, hàng nhái cho người dân.
Lúc chưa xảy ra sự cố này, tôi vẫn nghĩ rằng, nước sông Đà cung cấp cho Hà Nội thì chỉ có nguồn duy nhất là từ sông Đà chảy vào hồ Đầm Bài. Tuy nhiên, đến nay mới vỡ lẽ là, hồ Đầm Bài không chỉ chứa nước sông Đà mà còn có rất nhiều con suối khác chảy vào đây.
Như vậy, Viwasupco cung cấp nước cho người dân Hà Nội không phải chỉ có nước sông Đà mà là hỗn hợp của rất nhiều nguồn nước khác. Mà những con suối này có đảm bảo hay không, chứ tôi chưa nói đến chuyện đê xảy ra ô nhiễm như như vừa qua, thì ở đây, cũng như nhiều hàng hóa khác, công ty này đang bán hàng không đúng cam kết, không đúng quảng cáo là lừa dối khách hàng.
Để kiện người dân cần có hóa đơn nước đã sử dụng những ngày qua, ngoài ra nếu muốn đền bù về thiệt hại sức khỏe, người dân cần chứng minh được mình bị ảnh hưởng thế nào sau khi dùng nước ô nhiễm. Đơn kiện gửi đến tòa án nơi trụ sở của Viwasupco ở tỉnh Hòa Bình.
Ngoài trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch thì câu chuyện quản lý cũng rất đáng quan tâm. Theo ông, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong vụ việc này như thế nào?
Phải nói rằng, cũng rất may mắn cho người dân Hà Nội qua sự cố này, ở chỗ, người ta chỉ đổ dầu thải chứ không phải là thuốc bảo vệ thực vật hay các chất hóa học chết người nào đó. Công ty phải chịu trách nhiệm hàng hóa của mình trước khi bán ra, nhưng ai phải chịu trách nhiệm về việc công ty này sản xuất và bán hàng kém chất lượng? Đây vẫn là một câu hỏi lớn.
Theo tôi được biết, đến nay rất nhiều cơ quan tham giá quản lý về việc này? Vậy trách nhiệm quản lý thường xuyên việc đảm bảo nguồn nước sẽ thuộc về Sở Tài nguyên, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng hay Cục quản lý thị trường? Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước xã hội? Hay đó lại là "quả bóng trách nhiệm" hoặc "sợi dây trách nhiệm mà rút mãi không hết"?
Tôi cho rằng, nếu không có sự buông lỏng quản lý thì chắc chắn sẽ không có sự cố đáng tiếc ngày hôm nay.
Đến nay người dân Hà Nội đang đứng trước quá nhiều nguy cơ đối với sức khở từ ăn uống, hít thở đến đi lại đều trở thành rủi ro. Các sự cố này cho thấy rõ sự lúng túng về xử lý khủng hoảng và ứng phó với khủng hoảng của doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Đáng lẽ, những rủi ro này phải có trong kế hoạch dự phòng của doanh nghiệp để ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, qua sự việc cho thấy, họ không xây dựng kịch bản này, hoặc nếu có cũng chỉ là đối phó. Đến khi xảy ra từ doanh nghiệp và cơ quan quản lý lại lúng túng, loay hoay tìm cách khắc phục.
Như câu chuyện nước sạch đang bàn, nếu sự cố dầu thải có trong kế hoạch theo đó, doanh nghiệp, Nhà nước đã có những nguồn nước sạch dự phòng cấp nước cho dân từ trước thì chắc chắn sẽ không có chuyện hàng triệu người hoang mang, lo lắng như hiện tại.
Quay trở lại với câu chuyện nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, chúng ta cần phải tách bạch giao cho một đơn vị cụ thể nào đó quản lý việc Viwasupco cấp nước an toàn cho người dân. Doanh nghiệp cần phải xây dựng một quan trắc ngay tại hiện trường hoặc phòng thí nghiệm để kiểm tra nguồn nước thường xuyên.
Về công nghệ này tôi nghĩ không khó vì rất nhiều nước trên thế giới đã làm được. Quan trọng là doanh nghiệp có muốn làm hay không. Ngoài ra, cần quy hoạch lại nguồn nước chảy vào hồ Đầm Bài, không thể để việc các con suối khác không rõ chất lượng chảy vào như vậy.
Sau sự cố này cần phải rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất nước, từ nguồn nước, công nghệ chế biến. Đặc biệt cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ hơn nữa quy trình cấp nước của doanh nghiệp.
Có thể bị xử lý về hình sự
" Hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.
Tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội gây ô nhiễm môi trường, khung hình phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Khung hình phạt nặng nhất là bị phạt tiền từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm", luật sư Thái nói,