"Ông chủ" Viwasupco, công ty cung cấp nước sạch bị nhiễm dầu thải là ai?

14/10/2019 16:57 GMT+7
Ông Hoàng Văn Thức, Tổng cục phó Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, cho rằng doanh nghiệp cung cấp nước sạch (Viwasupco), biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm. Câu hỏi đặt ra, ai là "ông chủ" thực sự của Viwasupco?

Trong những ngày qua, hàng ngàn người dân Hà Nội không dám dùng nguồn nước máy do Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco - mã cổ phiếu VCW) cung cấp được cho là nhiễm dầu thải do một công ty đổ trộm. 

Theo phản ánh của người dân, từ ngày 10/10, nguồn nước sinh hoạt tại nhiều quận như Thanh Xuân, Cầu Giấy Nam Từ Liêm, Hoàng Mai bỗng nhiên có mũi khét giống như mùi dầu nhớt hoặc dây điện bị cháy.

Nước sạch Hà Nội bốc mùi lạ: Kế hoạch thâu tóm Công ty nước sạch Sông Đà của Gelex - Ảnh 1.

Nước sạch ở Hà Nội nhiều ngày nay xuất hiện mùi lạ.

Nhiều ngày chờ đợi, đến nay vì sao nước sạch có mùi lạ vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Trong khi đó, sáng nay (14/10) đại diện Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 đến 11/10/2019. Trong văn bản Viwasupco cho biết, vào 12h ngày 9/10/2019, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đội phục vụ công tác bảo về và vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ xuất hiện váng chưa rõ nguyên nhân. Hiện đơn vị Viwasupco cũng đang chờ kết luận của của các cơ quan chức năng. 

Về vấn đề này, cũng trong sáng 14/10, ông Hoàng Văn Thức, Tổng cục phó Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, dẫn báo cáo từ Sở Tài nguyên Môi trường Hòa Bình: Người dân phản ánh phát hiện xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến tối 8/10. Sau đó địa bàn có mưa to dẫn đến dầu từ khe núi chảy xuống suối Trâm xã Phú Minh và lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà.

Theo báo cáo từ Sở này, ngày 9-10/10, Nhà máy nước sông Đà phát hiện ra dầu loang trên kênh dẫn nước, đã huy động người vớt dầu. "Doanh nghiệp cung cấp nước sạch, biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm", ông Thức khẳng định.

Tổng Cục môi trường đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình sát sao kiểm soát, doanh nghiệp chủ động có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa như quây lưới. "Chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình và cơ quan cảnh sát truy tìm xe đổ trộm", ông Thức nói và đánh giá việc đổ trộm dầu như trên là "hành động vô trách nhiệm".

Được biết, từ năm 2018, Viwasupco đã có "chủ mới" là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex. Vào giữa tháng 1/2018, Viwasupco cho biết Năng lượng Gelex hướng đến tỷ lệ sở hữu 65% tại công ty này.

Theo tìm hiểu, Viwasupco tiền thân là doanh nghiệp dự án của Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) thực hiện dự án Nhà máy nước sạch Sông Đà. Tháng 4/2016, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái đã mua 43,6% cổ phần Viwasupco. Cổ đông lớn nhất của Viwasupco lúc này vẫn là Vinaconex (51%).

Cuối năm 2017, Vinaconex công bố bán toàn bộ cổ phần tại Viwasupco. Giới đầu tư khi đó đồn đoán Đầu tư Phát triển Sinh Thái và Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) sẽ cạnh tranh sở hữu cổ phần chi phối tại Viwasupco.

Kết quả, Đầu tư Phát triển Sinh Thái mua thành công 8,2 triệu cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên quá bán 50,42%. REE mua 17,34 triệu cổ phần còn lại và nắm 34,68% vốn Viwasupco. Giao dịch được thực hiện vào ngày 22/12/2017.

Nước sạch Hà Nội bốc mùi lạ: Kế hoạch thâu tóm Công ty nước sạch Sông Đà của Gelex - Ảnh 2.

Trên website của Năng lượng Gelex cũng ghi rõ, hiện công ty này đang sở hữu chi phối Viwasupco.

Tuy nhiên, chỉ đúng 1 tuần sau khi nắm tỷ lệ chi phối tại Viwasupco, Đầu tư Phát triển Sinh Thái ngày 29/12/2017 bất ngờ đăng ký thoái toàn bộ 25,21 triệu cổ phần đang sở hữu và bán thành công vào ngày 4/1/2018.

Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex mua vào 10 triệu cổ phần VCW để nâng tỷ lệ sở hữu tại Viwasupco từ 4,68% lên 24,68%.

Quá trình mua bán lòng vòng cổ phiếu VCW tiếp tục khi Năng lượng Gelex đăng ký mua thêm 12 triệu cổ phần từ ngày 9/2 - 9/3/2018. Kết quả, công ty con của Tổng công ty Gelex mua thành công 11,21 triệu cổ phần và nâng tỷ lệ sở hữu lên 47,1%.

Hiện nay, Năng lượng Gelex là cổ đông lớn nhất của Viwasupco, xếp sau là REE với 34,68%. MB Capital và quỹ MBVF (thuộc MB Capital) có 3,3 triệu cổ phần, tương đương 6,6%.

Tổng cộng 3 cổ đông lớn đang sở hữu 88,38% vốn Viwasupco. Còn lại 11,62%, tương đương 5,81 triệu cổ phần đang được nắm giữ bởi các nhà đầu tư khác.

Theo tìm hiểu, thương vụ mua lại Viwasupco đã được Gelex chuẩn bị từ lâu. Báo cáo tài chính Gelex cho biết Gelex đã ký Thoả thuận ngày 20/2/2017 và đặt cọc số tiền 882,87 tỷ đồng để "mua cổ phần của một công ty trong lĩnh vực nước sạch thuộc sở hữu của công ty này (hình dưới).

Nước sạch Hà Nội bốc mùi lạ: Kế hoạch thâu tóm Công ty nước sạch Sông Đà của Gelex - Ảnh 3.

Với mức giá cổ phiếu Viwasupco vào tháng 2/2017 quanh mức 40.000 đồng/CP, khoản đặt cọc của Gelex tương đương khoảng 22 triệu cổ phần, xấp xỉ số cổ phần Viwasupco mà Đầu tư Phát triển Sinh Thái sở hữu vào thời điểm đó (21,8 triệu CP). Bởi vậy, việc Đầu tư Phát triển Sinh thái bất ngờ bán hết phần vốn chi phối vào cuối năm 2017 là có nguyên do.

Viwasupco hiện là nhà cung cấp nước sạch cho toàn bộ phía Tây Nam Hà Nội gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành, khu vực khác thuộc Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Đông - Hà Nội. Viwasupco hiện đang triển khai giai đoạn 2 của dự án, dự kiến hoàn thành năm 2019 và nâng công suất cấp nước gấp đôi lên 600.000 m3/ ngày đêm, cung cấp cho 3,6 triệu dân tại 21 quận, huyện của TP. Hà Nội

An Vũ
Cùng chuyên mục