Khủng hoảng thiếu chip kéo dài, chip giả len lỏi vào chuỗi cung ứng

19/09/2021 17:35 GMT+7
Khi cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu đang tiếp tục kéo dài, có nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng chip nhái, chip kém chất lượng hoặc chip tái sử dụng trong chuỗi cung ứng.

Junichi Fujioka, Giám đốc điều hành nhà sản xuất điện tử Nhật Bản Jenesis đã tận mắt gặp phải nguồn cung chip kém chất lượng khi đặt hàng máy tính thông qua một trang web do gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba điều hành. Khi lô máy vi tính được vận chuyển đến nơi, chúng không thể khởi động.

Một chuyên gia đã kiểm tra các con chip theo yêu cầu Jenesis, kết quả cho thấy thông số chip của lô máy tính này khác hoàn toàn đơn đặt hàng của Jenesis dù tên hãng sản xuất trên bao bì rất giống hàng chính hãng. Mọi nỗ lực của Jenesis để liên lạc với bên nhà cung cấp đều trở nên vô vọng.

Câu chuyện này đang trở thành một bài học đầy tính cảnh giác với các công ty trong ngành điện tử, những nhà sản xuất đang đối diện với tình trạng thiếu chip trầm trọng. Họ có thể tìm đến nguồn cung “chip đang phân phối”, một thuật ngữ dùng để chỉ loại chip tồn kho được bán bởi các nguồn không phải nhà sản xuất hay nhà phân phối được ủy quyền. Những con chip như vậy không được nhà sản xuất bảo hành, thậm chí nó có thể bao gồm chip được tái sử dụng từ các thiết bị điện tử cũ, hỏng, hoặc những con chip không đạt tiêu chuẩn đáng lẽ phải bị tiêu hủy. Nghiêm trọng hơn, có những lô hàng chip giả mạo tên nhà sản xuất và số lô hàng.

Sự phổ biến của chip giả, chip kém chất lượng đã thúc đẩy một loại hình dịch vụ mới: xác minh chip. Oki Engineering, một công ty con của Oki Electric Industry (Nhật Bản) hiện đang cung cấp dịch vụ  xác minh chip để giúp các nhà sản xuất thiết bị điện tử loại bỏ các chip bị lỗi trước khi đưa chúng vào dây chuyền sản xuất. Các con chip được chuyển đến Oki Engineering sẽ được phân tích bởi 20 kỹ sư lâu năm thông qua hàng loạt phương pháp từ laser, kính hiển vi, tia X và các thiết bị khác. Nhóm xác minh có thể làm tan chảy vỏ bọc bên ngoài chip nhằm kiểm tra logo nhà sản xuất cũng như các đặc tính vật lý khác. 

Việc kiểm tra bao gồm làm tan chảy các gói chip, hoặc vỏ bọc bên ngoài, để kiểm tra logo của nhà sản xuất, cũng như xem xét các mẫu dấu vết trên chip silicon và các đặc tính vật lý khác. 

Khủng hoảng thiếu chip kéo dài, chip giả len lỏi vào chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Một kỹ sư tại Oki Engineering đang kiểm tra mẫu chip bán dẫn theo đơn đặt hàng (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Oki Engineering bắt đầu cung cấp dịch vụ xác minh chip vào tháng 6 và đã nhận được khoảng 150 yêu cầu kiểm tra vào tháng 8. Đa số yêu cầu đến từ các nhà sản xuất máy móc công nghiệp và thiết bị y tế. Đáng chú ý, trong 70 trường hợp đã kiểm tra, có tới 30% số chip bị phát hiện có vấn đề. 

Chip là linh kiện được sử dụng trong mọi đồ dùng điện tử, từ ô tô, máy chơi game cho đến máy giặt, thậm chí là bàn chải đánh răng tự động. Chúng tạo thành một mạch máu nuôi dưỡng ngành công nghệ trong nền kinh tế toàn cầu, là yếu tố quan trọng thiết yếu với nhiều ngành công nghiệp lớn của thế giới. Nhưng thế giới đang bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng thiếu chip. Tình trạng thiếu hụt được dự báo có thể kéo dài đến năm 2023.

Năm ngoái, khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, nhiều ngành hàng đã dự đoán người dân có thể cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng điện tử khi thu nhập giảm sút, kinh tế eo hẹp. Nhưng dự đoán này nhanh chóng trở nên sai lầm khi các đợt phong tỏa trên toàn cầu buộc người dân chôn chân tại nhà, qua đó kích thích nhu cầu mua sắm đồ công nghệ, từ smartphone, laptop cho đến máy chơi game. Khi doanh số bán xe phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến và năng lực của các xưởng đúc chip có hạn, các ngành sản xuất đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip.

Tại Mỹ, tình trạng thiếu hụt chip trầm trọng đã khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden ra lệnh khẩn xem xét lại chuỗi cung ứng của Mỹ trong 100 ngày. Khoảng 50 tỷ USD trong gói đề xuất cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD của ông Biden cũng được dành cho việc củng cố ngành công nghiệp chip của Mỹ.

Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Ford Motors và General Motors cũng dự báo tình trạng thiếu chip sẽ làm giảm hàng tỷ USD lợi nhuận của hãng trong năm nay. Cụ thể, Ford dự báo lợi nhuận giảm 2,5 tỷ USD trong khi GM dự báo lợi nhuận giảm từ 1,5-2 tỷ USD.


NTTD
Cùng chuyên mục