Kiểm toán Nhà nước: Số dư nguồn kinh phí tăng lương 3 năm qua tăng nhanh, 18 địa phương đang dùng sai

An Linh
16/05/2025 16:12 GMT +7
Theo Kiểm toán Nhà nước, số dư luỹ kế nguồn kinh phí cải cách tiền lương các năm 2021, 2022 và 2023 tăng rất cao. Tuy nhiên, qua kiểm tra cơ quan này xác định có 18 địa phương sử dụng nguồn tiền này chi sai mục đích.

Chiều 16/5 tại Hội trường, Quốc hội nghe đại diện Chính phủ trình bày Báo cáo Quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2023, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng đọc, báo cáo kiểm toán Quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2023 do Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn trình bày.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, qua tổng hợp nguồn kinh phí cải cách tiền lương (CCTL) cho thấy số dư lũy kế nguồn này tăng nhanh qua các năm (năm 2021 là 262.974 tỷ đồng, năm 2022 là 432.350 tỷ đồng, năm 2023 là 536.394 tỷ đồng).

Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo quy định hiện hành, việc tạo lập nguồn cải cách tiền lương được xác lập từ: 70% tăng thu NSĐP so với dự toán; 50% tăng thu NSĐP dự toán năm hiện hành so với dự toán năm trước liền kề; 40% thu sự nghiệp, 35% thu viện phí và 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên…

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc phải sử dụng 70% từ nguồn tăng thu NSĐP để tạo nguồn cải cách tiền lương song dự toán thu lại lập không sát khả năng thực tế, điều này dẫn tới số tăng thu cao, nhưng chủ yếu lại sử dụng cho cải cách tiền lương mà thiếu nguồn chi cho các nhiệm vụ chi cần thiết, cấp bách khác như: chi đầu tư phát triển, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Ngoài ra, những năm gần đây Bộ Tài chính lại tổng hợp cả số thu kết dư ngân sách năm trước vào số tăng thu so với dự toán là không phù hợp với quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 9, khoản 2 Điều 59 Luật NSNN, làm nguồn cải cách tiền lương tăng cao.

Kiểm toán Nhà nước xác định, theo các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2024, 2025 cho thấy, tổng kinh phí cải cách tiền lương đã sử dụng là 185.659 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đến năm 2025 nguồn CCTL năm 2023 chuyển sang 2024 vẫn còn dư 350.735 tỷ đồng, trong khi số dư nguồn tích lũy CCTL nêu trên chưa bao gồm khoản phải trích tạo nguồn CCTL các năm 2024, 2025.

Kết quả kiểm toán tại các địa phương cho thấy, một số địa phương trích lập đủ hoặc xác định nguồn CCTL chưa đúng quy định 3.528,72 tỷ đồng; việc theo dõi, quản lý nguồn CCTL chưa phù hợp 3.715,52 tỷ đồng.

Quan ngại hơn, 18 địa phương sử dụng nguồn CCTL chi đầu tư, chi thường xuyên hoặc các nhiệm vụ khác không đúng quy định 1.389,69 tỷ đồng.

Tại báo cáo Quyết toán của Chính, Chính phủ cho biết số quyết toán số thu ngân sách Nhà nước năm 2023 đạt 1,77 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với dự toán 1,62 triệu tỷ đồng. 

Trong đó, thu NSTW là 927.511 tỷ đồng, tăng 63.944 tỷ đồng (7,4%) so với dự toán; thu NSĐP là 843.265 tỷ đồng, tăng 86.088 tỷ đồng (11,4%) so với dự toán.

Về chi ngân sách Nhà nước, năm 2023 quyết toán số chi là 1,93 triệu tỷ đồng, giảm 6,7% so với dự toán 2,7 triệu tỷ đồng (giảm gần 140.0 tỷ đồng).

Đáng nói, chi thường xuyên quyết toán 1,117 triệu tỷ đồng, giảm hơn 55.000 tỷ đồng so với dự toán, trong đó một số nhiệm vụ không triển khai được phải hủy dự toán, một số nhiệm vụ không đủ điều kiện quyết toán phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước, một số nội dung được chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật NSNN.

Trong khi đó, số chi đầu tư phát triển đạt hơn 723.800 tỷ đồng, giảm gần 5.000 tỷ đồng so với dự toán (giảm 0,7%). Dự toán chi đầu tư phát triển NSTW là 214.586 tỷ đồng, quyết toán là 155.360 tỷ đồng, giảm 59.226 tỷ đồng (27,6%) so với dự toán, bao gồm số chi từ nguồn năm trước chuyển sang theo quy định. 

Dự toán chi đầu tư phát triển NSĐP là 514.220 tỷ đồng, quyết toán là 568.479 tỷ đồng, tăng 54.259 tỷ đồng (10,6%) so với dự toán Quốc hội giao, do bao gồm số giải ngân từ nguồn năm trước chuyển sang theo quy định và nguồn bổ sung từ dự phòng NSTW, tăng thu NSĐP.

Về chi trả nợ lãi vay, theo báo cáo của Chính phủ, số chi được quyết toán năm 2023 là 89.300 tỷ đồng, giảm hơn 13.500 tỷ đồng so với dự toán. Nguyên nhân chủ yếu là do số huy động từ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2022 thấp hơn kế hoạch, dẫn đến làm giảm số chi trả nợ lãi năm 2023 so với dự toán 

Về nợ công, đến hết 31/12/2023 nợ công của Việt Nam là 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 4,65% so với năm 2022, bằng 36,07% GDP. Các chỉ tiêu nợ công năm 2023 trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Nợ công bình quân là 37,11 triệu đồng/người, tăng so với các năm (năm 2022: 35,77 triệu đồng, năm 2021: 36,71 triệu đồng).