Kiến nghị giảm 2%/năm lãi suất cho vay bất động sản: Tránh tạo đòn bẩy cho giới đầu cơ

13/08/2021 09:28 GMT+7
Theo các chuyên gia, giảm lãi suất cho vay tới 2% đối với lĩnh vực bất động sản phải có “gạn lọc”, tránh ưu đãi tạo đòn bẩy cho giới đầu cơ.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản lãi khủng, "xin" giảm 2% lãi vay

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều tỉnh thành phong tỏa, các hoạt động của thị trường bị chặn đứng, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn, thậm chí không cầm cự nổi, song các đại gia ngành này vẫn báo lãi khủng.

Kiến nghị giảm 2%/năm lãi suất cho vay bất động sản: Tránh tạo đòn bẩy cho giới đầu cơ - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn lãi khủng trong năm Covid-19. (Nguồn: tổng hợp BCTC)

Có thị phần bất động sản dẫn đầu các tỉnh phía Nam và miền Trung, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) tăng gần 282% doanh thu trong quý II/2021. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 2.014 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) báo lãi sau thuế hơn 412 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) lãi 1.139 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 373 tỷ đồng trong 6 tháng; Vinhomes (VHM) báo lãi bình quân 88 tỷ đồng/ngày.

Nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn như Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng công bố con số doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến trong quý II/2021. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt 390,5 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo tài chính quý II của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN) ghi nhận doanh thu thuần 1.696 tỷ đồng, gấp 3 lần và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 82,4 tỷ đồng, gấp 31 lần cùng kỳ.

Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) cũng công bố doanh thu thuần 6 tháng gần 639 tỷ đồng và 143 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 78% và 82%.

Bên cạnh các doanh nghiệp lãi đậm, vẫn còn nhiều cái tên "hụt hơi" trong mục tiêu doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Đơn cử như Công ty cổ phần Tập đoàn CEO - CEO Group (mã chứng khoán: CEO) lỗ 164,7 tỷ đồng nửa đầu năm. Trong đó, công ty mẹ chịu lỗ hơn 94 tỷ đồng.

Năm nay, CEO đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, tăng gần 21%, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng. Tuy nhiên sau nửa năm, CEO Group vẫn ngập trong thua lỗ.

Không đến mức thua lỗ, song Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã chứng khoán: DIG) mới chỉ thực hiện được 8% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.

Hay như Xuân Mai Corp ghi nhận doanh thu đạt 598 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ và báo lỗ 16,5 tỷ đồng nửa đầu năm.

Kiến nghị giảm 2%/năm lãi suất cho vay bất động sản: Tránh tạo đòn bẩy cho giới đầu cơ - Ảnh 3.

HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. (Ảnh: LPB)

Trong văn bản gửi đến Bộ Xây dựng mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản, làm cho hầu hết các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau.

Để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp bất động sản không xin nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.

Trong đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Các ngân hàng thương mại được đề nghị xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn.

Đồng thời, HoREA đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án.

Trước đó, trong một buổi tọa đàm trực tuyến, lãnh đạo của một số doanh nghiệp địa ốc cũng đã nêu đề xuất các ngân hàng xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào cuối năm.

"Dịch bệnh có thể được xem là yếu tố bất khả kháng là đình trệ toàn bộ hoạt động đầu tư, kinh doanh và doanh thu giảm sút nghiêm trọng. Chính vì vậy, giải pháp giảm lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp "dễ thở" hơn chút trong giai đoạn cam go này", lãnh đạo một doanh nghiệp đề xuất.

Chỉ có lợi cho giới đầu cơ?

Trước đề xuất trên, rất nhiều ý kiến trên các diễn đàn đã phản đối rằng: "Không nên giảm lãi vay cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh bất động sản, họ làm cho nhiều người không mua được nhà giá rẻ, chính họ đầu cơ để bất động sản tăng giá"; rằng "Giá nhà hiện tại đã quá cao, lãi suất giảm chỉ cho nhà đầu cơ làm tăng thêm giá nhà mà thôi"…

Trao đổi với Etime, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, biên độ lợi nhuận của các ngân hàng cho vay bất động sản hiện trung bình chỉ khoảng 4%, nếu các ngân hàng giảm 2% lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản, tức là biên độ lợi nhuận giảm chỉ còn 1 nửa – là con số rất thấp.

"2% là mức giảm mạnh, nếu các ngân hàng có điều kiện thì nên giảm cho các doanh nghiệp bất động sản", ông Hiếu nói.

Kiến nghị giảm 2%/năm lãi suất cho vay bất động sản: Tránh tạo đòn bẩy cho giới đầu cơ - Ảnh 4.

Giảm mạnh lãi suất cho vay bất động sản, nguy cơ bong bóng tài sản.

Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý, việc giảm lãi suất cho vay bất động sản chỉ nên giảm sâu khi thị trường này phải được minh bạch và được điều tiết tốt hơn.

Trong khi thực tế hiện nay, thị trường bất động sản vẫn còn thiếu minh bạch, vẫn còn hiện tượng làm giá đẩy giá, tiếp cận thông tin còn khó khăn… Khi thị trường vẫn trong tình trạng như vậy, việc giảm mạnh lãi suất cho vay bất động sản có thể thổi bùng hiện tượng đầu cơ.

"Hầu hết các nhà đầu cơ đều dùng đòn bẩy tài chính. Vì vậy, khi lãi suất giảm tới 2%, người vui mừng và hưởng lợi nhất chính là giới đầu cơ, trong khi đó người dân lại phải mua nhà giá cao do đầu cơ thổi giá", ông Hiếu nhấn mạnh thêm.

Thống kê cũng cho thấy, hiện tại đã có tới 15 ngân hàng đang đồng loạt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19 lần thứ 4. Tuy nhiên, mức giảm chỉ quanh mức bình quân 1%/năm.

Do đó, nếu có thể theo ông Hiếu, ngân hàng thương mại nên ưu tiên giảm mạnh lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thay vì giảm tới 2% đối với các khoản vay của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo TS Cấn Văn Lực, ngành bất động sản 2021 dự báo tăng trưởng, 6 - 7,5% và bình quân 10 năm tới là 7%. Thị trường bất động sản vẫn chứng kiến 3 rủi ro về pháp lý, dịch bệnh chưa kết thúc và đòn bẩy tài chính.

''Việc các ngân hàng giảm lãi vay hướng đến ưu đãi cho người mua nhà cũng là chính sách phù hợp, nhưng phải gạn lọc để hỗ trợ đối tượng có nhu cầu vay mua nhà thật, tránh ưu đãi tạo đòn bẩy cho giới đầu cơ'', ông Cấn Văn Lực nói.

Còn về việc doanh nghiệp bấy động tiếp cận các khoản vay mới, theo TS Cấn Văn Lực, quy định hiện hành, chủ đầu tư phải có tối thiểu 15 - 20% vốn trên tổng mức đầu tư dự án, còn lại phải huy động từ các nguồn khác. Do vậy, doanh nghiệp bất động sản muốn có vốn trung và dài hạn buộc phải thu hút từ những kênh khác nhiều hơn.

H.Anh
Cùng chuyên mục