HoREA kiến nghị giảm 2% lãi suất vay đối với doanh nghiệp bất động sản
Tạo điều kiện cho DN BĐS được tiếp cận các khoản vay mới
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn gửi Bộ Xây dựng về việc đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo HoREA, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản, làm cho hầu hết các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau.
Để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.
Cụ thể, về cơ chế chính sách tín dụng, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Cùng với đó xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn.
Quan trọng hơn cả là xem xét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Doanh nghiệp "sống" được thì các ngân hàng mới "sống khỏe" được.
Ngoài ra, HoREA đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.
Về chính sách thuế, tiền sử dụng đất, HoREA mong muốn Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ vào Nghị định số 52/2021/NĐ-CP chính sách "cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021", nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, góp phần kéo giảm giá nhà, do Nghị định số 52/2021/NĐ-CP chưa quy định chính sách này đối với doanh nghiệp bất động sản.
Đồng thời, Đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc đề xuất cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp", để nghiên cứu, báo cáo Chính phủ khi lập Đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi đổi, bổ sung Luật Thuế doanh nghiệp hiện hành.
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế.
Xử lý "ách tắc" đối với các NĐT có quyền sử dụng đất nông nghiệp
Bên cạnh đó, HoREA kiến nghị có giải pháp xử lý "ách tắc" đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
"Ách tắc" này gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp bất động sản, người tiêu dùng và cả Nhà nước, mà nguyên nhân là do Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 và Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong 02 trường hợp bao gồm, nhà đầu tư có đất ở (có 100% đất ở); Hoặc, nhà đầu tư có các loại đất khác "dính" với đất ở.
Còn lại, tất cả các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
HoREA cho rằng Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 đã mâu thuẫn, "xung đột" với Điều 58, Điều 169, Điều 191, Điều 193 Luật Đất đai 2013; Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 và Khoản 2 Điều 7 Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét sớm có giải pháp xử lý "ách tắc" để công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về xây dựng.
Cuối cùng, HoREA đề nghị ban hành quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại. Hiện nay, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại rất phức tạp như một "ma trận", tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp và làm cho cán bộ công chức nhà nước rất "vất vả", thậm chí dễ bị "rủi ro" trong thi hành công vụ.
Hiệp hội yêu cầu Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Tài chính để thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án nhà ở thương mại, để hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất thực hiện.