Kinh Bắc (KBC): Lãi quý II tăng gấp 24 lần đạt 1.934 tỷ đồng, trữ tiền “bốc hơi” gần 1.500 tỷ đồng
KBC báo lãi quý II tăng vọt nhờ Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HoSE: KBC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2022 đạt 1.933,6 tỷ đồng, tăng gấp gần 24 lần so với cùng kỳ năm trước (Quý II/2021 lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 77,8 tỷ).
Lãnh đạo KBC cho biết, lợi nhuận quý II/2022 tăng vọt chủ yếu do trong kỳ này KBC ghi nhận thu nhập từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong kỳ, KBC ghi nhận hơn 2.397 tỷ đồng là chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng.
Báo cáo cho thấy, trong quý II/2022 KBC ghi nhận doanh thu thuần, lợi nhuận gộp và lợi nhuận thuần hợp nhất sụt giảm mạnh so với quý II/2021. Cụ thể, doanh thu thuần đạt hơn 395 tỷ đồng; lợi nhuận gộp đạt gần 198 tỷ đồng, lợi nhuận thuần chỉ đạt hơn 62 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí lãi vay tăng mạnh, lần lượt tăng 21,6% và 15,6%.
Tiền "bốc hơi" gần 1.500 tỷ đồng, KBC cho vay lại ngắn hạn hơn 1.816 tỷ đồng
Tại ngày 30/06/2022, tổng tài sản của KBC đạt hơn 33.771 tỷ đồng, tăng thêm 2.779 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tài sản tăng lên chủ yếu do khoản đầu tư vào công ty liên kết tăng vốn hơn 2.500 tỷ đồng. Ngược lại, tiền và các khoản tương đương tiền đạt gần 1.107 tỷ đồng, giảm gần 1.456 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Sự sụt giảm của khoản tiền nói trên chủ yếu do giảm các khoản tiền gửi ngân hàng và tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn.
Trong kỳ KBC đã cho các công ty thành viên vay hơn 1.816 tỷ đồng. Trong đó, cho vay ngắn hạn với CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn hơn 1.562 tỷ đồng; cho vay CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng gần 98 tỷ đồng; cho vay CTCP Đầu tư Vinatex Tân Tạo 80 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, mặc dù vay nợ dài hạn giảm mạnh 2.124 tỷ đồng xuống còn 3.416 tỷ đồng, nhưng áp lực trả nợ ngắn hạn tăng lên khi vay nợ ngắn hạn vọt lên 3.472 tỷ đồng (tương ứng tăng 1.957 tỷ đồng).
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, KBC ghi nhận doanh thu thuần giảm mạnh đạt 1.087 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.457 tỷ đồng, tăng 210% so với cùng kỳ năm trước.
Với kế hoạch lợi nhuận 4.500 tỷ đồng đã đề ra, 6 tháng đầu năm ước tính KBC hoàn thành hơn một nửa kế hoạch lợi nhuận năm.